P.V: Có thể khẳng định, tạo nguồn đảng viên là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng đối với tổ chức Đoàn. Vậy thời gian qua, công tác này đã được các cấp bộ Đoàn của tỉnh thực hiện ra sao, những phương thức nào đang được triển khai và hiệu quả mang lại thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Văn Lương: Công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên ưu tú là nhiệm vụ và sứ mệnh thiêng liêng của tổ chức Đoàn nhằm góp phần bổ sung lực lượng đảng viên trẻ, tăng thêm nguồn lực cho Đảng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ năm 2017 đến hết năm 2023, Đảng bộ tỉnh Nghệ An có hơn 15.000 đoàn viên được kết nạp Đảng. Đó là một con số biết nói để phản ánh nỗ lực của các cấp bộ Đoàn trong việc phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.
Để làm tốt nhiệm vụ này, hằng năm trong chương trình công tác, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các đơn vị xác định rõ mục tiêu, đề ra chỉ tiêu và các giải pháp về việc đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên ưu tú, đồng thời, ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo 100% đơn vị huyện, thành, thị đoàn và tổ chức Đoàn trực thuộc tăng cường tổ chức các phong trào hành động cách mạng tạo môi trường cho đoàn viên rèn luyện, cống hiến và thử thách, qua đó, phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn những đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.
Các cơ sở Đoàn tổ chức trao danh sách đoàn viên ưu tú cho cấp ủy Đảng trong các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, đơn vị và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đẩy mạnh cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Chú trọng chỉ đạo việc phát triển đảng tại các vùng dân tộc ít người, tôn giáo và khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc tập trung thực hiện Quyết định số 5155-QĐ/TU ngày 08/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án “Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2020” và Đề án 01-ĐA/TU ngày 10/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”.
Nhờ vậy, đội ngũ đảng viên trẻ được kết nạp trong độ tuổi Đoàn không chỉ được mở rộng về lượng mà còn nâng cao về chất khi đây là những nhân tố tiêu biểu tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
P.V: Việc tạo nguồn, phát triển đảng viên trong trường học được coi là một giải pháp hiệu quả nhằm góp phần trẻ hóa đảng viên. Đồng chí có thể chia sẻ thêm những thành quả và khó khăn còn gặp phải đối với công tác này?
Đồng chí Lê Văn Lương: Công tác phát triển đảng viên từ học sinh trung học phổ thông, sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học… được coi là một trong những hướng đi quan trọng nhằm tìm ra những nhân tố mới để “ươm mầm” bồi dưỡng, kết nạp Đảng.
Hiện nay, 100% đơn vị trường học trên địa bàn Nghệ An (bao gồm 89 trường trung học phổ thông; 21 trung tâm giáo dục thường xuyên; 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 11 trường đại học, cao đẳng) đều có tổ chức cơ sở Đảng. Trong đó, có 2 đảng bộ được giao quyền cấp trên cơ sở, 23 đảng bộ cơ sở, 114 chi bộ cơ sở, 8 đảng bộ bộ phận, 176 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.
Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ và các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác phát triển Đảng trong nhà trường. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thì số lượng kết nạp Đảng trong học sinh, sinh viên hằng năm đều tăng. Đa phần là học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học và là các cán bộ Đoàn, Hội tiêu biểu. Đây là thành phần quan trọng để bổ sung lực lượng đảng viên trẻ chất lượng cao cho Đảng.
Theo thống kê, trong tổng số 14.720 đoàn viên được kết nạp Đảng (từ năm 2017 đến tháng 5/2023) thì có tới 1.634 học sinh.
Còn về sinh viên, đã xuất hiện nhiều điểm sáng từ cơ sở như Đảng bộ Trường Đại học Vinh trong năm 2023 đã kết nạp mới 295 đảng viên, trở thành trường đại học có số lượng người học được kết nạp vào Đảng nhiều nhất cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, để học sinh được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều không hề dễ. Rào cản lớn nhất trong việc kết nạp Đảng ở các trường Trung học phổ thông chính là độ tuổi kết nạp Đảng.
Nhiều học sinh ưu tú đã được học lớp bồi dưỡng về Đảng nhưng không đủ 18 tuổi để xem xét kết nạp. Có nhiều trường hợp khi đang thực hiện thủ tục xem xét kết nạp đảng đúng lúc tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhà trường phải giới thiệu các em về địa phương để tiếp tục theo dõi.
Những học sinh ưu tú được xem xét kết nạp Đảng cần có thành tích toàn diện trong học tập, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động tại trường lớp và nơi cư trú. Thực tế, số lượng học sinh đáp ứng trọn vẹn các tiêu chuẩn trên chưa đông.
Từ những khó khăn này đòi hỏi thời gian tới, tổ chức Đoàn cần phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và cụ thể hóa chỉ tiêu kết nạp đảng viên trong chương trình phối hợp từng năm học và đưa nội dung phát triển đảng trong học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Cùng đó, các Đoàn trường cần chủ động tạo nguồn, phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú; tập trung vào những học sinh có nhiều cống hiến trong các phong trào của nhà trường và có tâm huyết với Đảng. Đồng thời, nắm vững đặc điểm của học sinh từng khu vực, vùng, miền để xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kết nạp Đảng, tránh tư tưởng định kiến hẹp hòi, máy móc hoặc xem nhẹ, hạ thấp tiêu chuẩn trong việc lựa chọn, bồi dưỡng những học sinh ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.
Cuối cùng, cần khơi gợi, tạo sự chủ động cho học sinh trong việc xác định mục tiêu, lý tưởng phấn đấu vào đảng, giúp học sinh có thêm động lực để thi đua, rèn luyện và cống hiến.
P.V: Thực tế cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, một bộ phận đoàn viên thiếu lý tưởng và chưa nhận thức sâu sắc niềm vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Điều này đặt ra thách thức ra sao đối với các cấp bộ Đoàn trong công tác tạo nguồn đảng viên?
Đồng chí Lê Văn Lương: Không thể phủ nhận rằng, có một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu lý tưởng, thiếu hoài bão, không quan tâm tới tình hình chính trị - xã hội của tỉnh, của đất nước. Một số khác nhận thức còn hạn chế, chưa đầy đủ nên không có “sức đề kháng” trước những luồng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội dẫn đến phai nhạt lý tưởng, không nhận thức đúng vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Điều này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi cần phải điều chỉnh ngay từ công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Công tác này cần phải “chuyển động” và đổi mới để phù hợp với đối tượng và bối cảnh hiện nay.
Việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho các bạn trẻ cần phải được triển khai tốt cả từ tổ chức Đoàn các cấp và các chi bộ, đảng bộ của địa phương, của các cơ quan, đơn vị và trường học
Vì vậy, nhiều người trẻ, đặc biệt là các bạn thế hệ Gen Z còn chưa thực sự hiểu về Đảng, chưa thấu suốt về đường lối, tư tưởng chính trị, chưa kiên định về lập trường tư tưởng dẫn đến chưa trọn vẹn niềm tin vào Đảng.
Điều cốt lõi nhất vẫn là việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phân biệt rạch ròi giữa đúng với sai của các bạn trẻ. Từ đó, trang bị cho mình đủ dũng khí làm theo cái tốt, đấu tranh loại bỏ tiêu cực, tạo cơ hội trưởng thành từ chính bản thân mình.
Mỗi bạn trẻ phải luôn luôn đặt mình vào trong tổ chức, không đứng ngoài, đứng trên tổ chức, tập thể, cộng đồng chỉ vì lợi ích cá nhân. Chỉ có tự giác và nghiêm chỉnh thực hiện mọi chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, học tập, noi gương những thế hệ cha anh đi trước thì mới trui rèn được bản lĩnh chính trị như lời dạy của Bác "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
P.V: Theo đồng chí, cần làm gì để phát huy được vai trò của các đảng viên trẻ sau khi được kết nạp?
Đồng chí Lê Văn Lương: Đảng viên phấn đấu tốt hay không một phần đến từ môi trường rèn luyện, bồi dưỡng. Vì vậy, đòi hỏi các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện, tạo cơ hội để đảng viên trẻ được thử thách, rèn luyện và cống hiến.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên mới kết nạp thì công tác theo dõi, quản lý, giúp đỡ, kiểm tra đảng viên ở các cấp ủy, đơn vị quản lý cần phải được tiến hành chặt chẽ và thường xuyên.
Hoạt động này cần bảo đảm đảng viên sau khi vào đảng luôn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; kịp thời loại bỏ những đảng viên không đủ tiêu chuẩn.
Đồng thời, để đảng viên mới phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thiết nghĩ, cấp ủy, các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cũng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương đảng viên trẻ tiêu biểu, xuất sắc.
Có như vậy, chất lượng đảng viên mới luôn được đảm bảo, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!