Giáo dục, đào tạo có nhiều dấn ấn nổi bật trong năm 2023.
Giáo dục, đào tạo có nhiều dấn ấn nổi bật trong năm 2023.

1. Đánh giá kết quả 10 năm đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29: Ngành Giáo dục và đào tạo đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Năm 2023 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Sau 10 năm triển khai thực hiện, các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29 là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển của nước ta.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và nguồn lực đầu tư cho đổi mới giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp, song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, đặc biệt là với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thực hiện phân công của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đảm bảo đúng quy trình, chất lượng và hiệu quả, có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua. Đồng thời, đánh giá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ đó tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ông Lại Xuân Môn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, ông Lại Xuân Môn - Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc điều hành Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2. Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội: hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng miền

Để tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển của 6 vùng kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long), Bộ Chính trị khoá XIII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáu vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để triển khai các Nghị quyết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, năm 2023, Bộ GD&ĐT tổ chức 6 Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Các hội nghị được tổ chức với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu là đại diện lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các địa phương; các sở, ban, ngành địa phương; các chuyên gia; các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông…. Đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục của từng vùng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Các hội nghị cho thấy sự quan tâm của các địa phương với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; sự thấu hiểu, chia sẻ của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương để đồng hành và hỗ trợ để các địa phương thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Cùng với 6 hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành 6 Kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị phát triển GD-ĐT Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị phát triển GD-ĐT Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

3. Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018: phát huy thành quả, tháo gỡ khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới

Năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT đã chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm nhìn lại kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo.

Một nửa chặng đường cho thấy việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu đã tạo được những chuyển biến rất tích cực, làm thay đổi chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu chứng tỏ sự phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh thông qua hơn bốn năm triển khai dạy học ở: lớp 1, lớp 2, lớp 3 (Tiểu học), lớp 6, lớp 7 (Trung học cơ sở), lớp 10 (Trung học phổ thông).

Bên cạnh những kết quả rõ nét, nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế đến từ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Quá trình triển khai cũng cho thấy các cấp, các ngành Trung ương, địa phương đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, hạn chế.

“Phát huy thành quả đạt được và kiên trì với mục tiêu đổi mới” sẽ là từ khóa quan trọng trong nửa chặng đường tiếp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, 4 nhóm giải pháp đã được chỉ rõ trong báo cáo đánh giá giữa kỳ của Bộ GD&ĐT gồm: Tiếp tục phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa; tập trung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho giáo dục theo quy định.

Buổi làm việc của Đoàn giám sát về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ chiều 27/7/2023.

Buổi làm việc của Đoàn giám sát về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với Chính phủ chiều 27/7/2023.

4. Phê duyệt sách giáo khoa mới: đảm bảo chất lượng, thẩm định đúng kế hoạch

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD&ĐT khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phê duyệt sách giáo khoa các môn học đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch. Tính đến cuối năm 2023, nhiệm vụ này đã được Bộ GD&ĐT hoàn thành.

Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung, chất lượng sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Sách giáo khoa mới giúp học sinh dễ tiếp cận với bài học có kênh chữ và kênh hình đẹp, dễ hiểu. Được thiết kế, trình bày bằng các hoạt động đa dạng giúp giáo viên dễ dạy, định hướng cho giáo viên lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh. Tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò.

Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các địa phương triển khai, áp dụng thực hiện linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm công khai, dân chủ trong lựa chọn sách giáo khoa.

Việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa được các nhà xuất bản thực hiện đa dạng, với nhiều phương thức và kênh phát hành. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản để cung cấp kịp thời số lượng sách giáo khoa cho các năm học.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội).

5. Xác định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Dấu ấn của đổi mới

Ngày 28/11/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”. Phương án này đã được công bố rộng rãi tới toàn thể xã hội.

Theo phương án, nội dung Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng bài bản, khoa học; bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật của nhà nước, của ngành GD&ĐT liên quan về công tác tổ chức thi bảo đảm tổ chức thi và và xét công nhận tốt nghiệp THPT; tiếp thu thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Quá trình xây dựng và lấy ý kiến phương án thi được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm trên cả diện rộng và chiều sâu. Các ý kiến trao đổi, phân tích từ các chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân là kênh quan trọng để Bộ GD&ĐT hoàn thiện phương án, đáp ứng mong muốn của đa phần xã hội.

Cùng với phương án thi, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 làm căn cứ để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo cho quá trình dạy và học. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch các công việc, nhiệm vụ để việc thực hiện Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Họp báo công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Họp báo công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

6. Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo: đổi mới chính sách, bổ sung biên chế, quan tâm, chăm lo đời sống giáo viên

Tiếp nối những nỗ lực nhằm phát triển và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo đã được thực hiện trước đó, năm 2023 tiếp tục cho thấy nhiều dấu ấn trong công tác này.

Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7/2023 - nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng đã giúp cho mức lương, thu nhập của giáo viên có sự cải thiện, qua đó giúp giáo viên phần nào đảm bảo cuộc sống, yên tâm gắn bó với nghề.

Ngày 25/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức. Theo đó, chính thức bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thành xét thăng hạng. Việc bỏ thi thăng hạng viên chức đã giúp xóa bỏ những tồn tại từ thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo giáo viên.

Cũng trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 3/2021/TT-BGDĐT 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ GDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Nhiều điểm mới của Thông tư 08 đã khắc phục những hạn chế trước đó, tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.

Tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu gv ở các trường mầm non, phổ thông.

Đặc biệt, ngày 7/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP; trong đó giao Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo, tạo điều kiện để kiến tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, nâng cao vị thế của nhà giáo và ngành giáo dục. Hiện nay, Bộ GD&ĐT - đơn vị được giao chủ trì đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để dự thảo Luật Nhà giáo, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến qua 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.

7. Gặp gỡ trên một triệu giáo viên cả nước: chia sẻ, đồng thuận, quyết tâm đổi mới giáo dục

Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng, cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của giáo viên được trò chuyện, được lắng nghe giải đáp trực tiếp từ người đứng đầu ngành về những vấn đề thiết thân với đội ngũ.

Tại cuộc gặp gỡ, hàng loạt ý kiến, câu hỏi liên quan đến chính sách nhà giáo như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường; quy định về tự chủ đại học; các chính sách về đầu tư nghiên cứu khoa học; cơ sở hạ tầng giáo dục đại học. … đã được giáo viên gửi tới Bộ trưởng. Trong khoảng thời gian nhất định, Bộ trưởng đã trao đổi, giải đáp nhiều mong mỏi, ý kiến của giáo viên. Các ý kiến, câu hỏi của giáo viên cũng đã được tiếp nhận đầy đủ để giải đáp bằng các hình thức khác và là cơ sở để điều chỉnh chính sách.

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo.

Ảnh chụp màn hình website cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục - Đào tạo.

Ảnh chụp màn hình website cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục - Đào tạo.

8. Tích cực, chủ động chuyển đổi số: Số hóa đầy đủ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia

Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Hệ thống Hemis đã kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.

Trước đó, các cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã được rà soát thu thập đầy đủ, làm sạch dữ liệu, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, công chức, viên chức phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh; đã đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư thông tin (chuyên ngành GD-ĐT) của hơn 24 triệu công dân là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành Giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu phát động Phong trào“Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu phát động Phong trào“Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”

9. Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời

Ngày 10/6/2023, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2005 theo các thời kỳ, giai đoạn 2005-2010, 2012-2020 và 2021-2030. Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cho thấy còn những hạn chế, rào cản xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Sau lễ phát động, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai thi đua sâu, rộng và thường xuyên, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, tuyên dương đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023.

10. Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất

Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.

7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia, gồm: 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.

Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.

Trong 5 năm gần đây, có 174 lượt học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực các môn Toán học, Hoá học, Vật lí, Sinh học, Tin học và mang về 170 huy chương và bằng khen. Trong đó, có 54 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 8 bằng khen.