Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Bùi Thị Cần - Trưởng bộ môn Lý luận và Phương pháp giảng dạy Chính trị - Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm chuyên ngành Cao học Phương pháp giảng dạy Chính trị - Viện Sư phạm Xã hội - Đại học Vinh.

Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh là bản lĩnh của thời đại

P.V: Thưa Tiến sỹ Bùi Thị Cần, nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế giới đã dành rất nhiều lời ca ngợi Người với một lòng tôn kính, trân trọng và cảm phục. Qua nhiều năm nghiên cứu về Người, theo bà, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một vị trí đặc biệt như vậy và bà ấn tượng nhất với lời đánh giá nào về Người của bạn bè quốc tế. Vì sao?

Tiến sỹ Bùi Thị Cần: Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nhận thức được sự thống nhất, hòa quyện giữa mong muốn lớn nhất, khát vọng cháy bỏng của Người với khát vọng độc lập – tự do – hạnh phúc của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại một dấu ấn bước ngoặt đối với sự phát triển của đất nước, của dân tộc, góp phần quan trọng cho sự tiến bộ chung của nhân loại.

Nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng, vì đã cống hiến trọn đời mình cho tự do và độc lập. Báo chí thế giới đã ca ngợi, ngưỡng mộ và khẳng định Bác Hồ là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX. Tấm gương vì nước, vì dân, suốt đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người của Hồ Chí Minh đã được nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế thừa nhận và kính phục. Tiến sỹ Mô-đa-gát At-mét – Giám đốc UNESCO khu vực châu Á -Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO nói: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

P.V: Nhiều nhận định đã cho rằng – Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người bình thường mà vĩ đại! Quả thật, trong con người ở Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước… Nhìn lại cuộc đời của Người và sự nghiệp cách mạng mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam, bà có thể nói đầy đủ hơn chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều gì về Người mà bà cảm phục nhất?.

Tiến sỹ Bùi Thị Cần: Trong những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi luôn nhớ đến Bác kính yêu – là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhà chính trị lỗi lạc, là anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là một nhà văn hóa kiệt xuất. Đặc biệt, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi chiếu vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Đó là nhân cách vĩ đại, tiêu biểu cho đức hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân và cả nhân loại.

Quả thực, nói về Bác có rất nhiều và rất nhiều điều chúng ta yêu quý, ngưỡng mộ và cảm phục ở Bác. Chúng tôi muốn nói đến bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh và tầm nhìn thời đại của Người. Điều này được thể hiện từ nhận thức, quan điểm, thái độ đến hành động chính trị một cách độc lập, kiên định, sáng tạo với khả năng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình “tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai”, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam. Đó còn là sự phản ánh năng lực làm chủ tình huống chính trị, sự vững vàng của Người trước những khó khăn, thử thách, sự kiên định với mục đích chính trị đã chọn.

P.V: Trên vai trò là Chủ tịch nước và là người dẫn dắt cách mạng Việt Nam, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tư tưởng và quan điểm hết sức tiến bộ và nhiều tư tưởng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Một trong những tư tưởng đó, chính là nói đến vai trò của sự đoàn kết toàn dân tộc. Đặt trong hoàn cảnh hiện nay, điều này có ý nghĩa như thế nào. Phải chăng, đây cũng chính là sức mạnh của Việt Nam, nhất là khi chúng ta vừa trải qua một cuộc chiến mới – cuộc chiến về phòng, chống dịch Covid – 19?.

Tiến sỹ Bùi Thị Cần: Theo Hồ Chí Minh, con đường cứu nước, cứu dân để giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là chỉ trông chờ sự giúp đỡ nước ngoài mà phải bằng chính sức mạnh của dân tộc mình để giành độc lập cho dân tộc mình. Người khẳng định “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Chính vì vậy, Bác luôn quan tâm, dẫn dắt dân tộc ta, đất nước ta bằng sự khẳng định và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”. Ngày nay, tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng trong thực tiễn cách mạng hôm nay và mai sau. Ngay tại thời điểm này, có nhiều giá trị trong tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh đã soi chiếu cho chúng ta trong cuộc chiến rút ra được trong phòng, chống dịch Covid – 19, chẳng hạn như: Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết. Bên cạnh đó, trong tư tưởng Đại đoàn kết Hồ Chí Minh, nhân dân là nhân vật trung tâm; nguyên tắc tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân là hạt nhân cơ bản trong tư tưởng Đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Và Đảng ta đã phát huy được niềm tin, sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch Covid – 19 cũng như trên nhiều phương diện, mặt trận khác và được thế giới ca ngợi.

Hy sinh việc nhà, chăm lo việc nước

P.V: Nghệ An chúng ta tự hào là quê hương của Người. Có nhiều câu hỏi cũng đã đặt ra: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra ở một miền quê nghèo nhưng lại có tư tưởng lớn với một quyết tâm đó là tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Phải chăng, Người cũng là hiện thân rõ nét nhất về tính cách của người Nghệ, luôn “lấy danh tiết làm trọng”, khẳng khái, có tinh thần cách mạng, luôn vượt qua gian khó?.

Tiến sỹ Bùi Thị Cần: Về điều này, cần khẳng định những cơ sở khách quan và nhân tố chủ quan góp phần hình thành nên nhân cách, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong các cơ sở đó, phải nói đến sự kết tinh giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc và thời đại. Mặc dù điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt nhưng người dân xứ Nghệ rất giàu truyền thống văn hoá và đánh giặc, giữ nước. Nơi đây hội tụ nhiều di tích lịch sử – văn hóa gắn với tên tuổi chiến công của các bậc anh hùng dân tộc, nêu cao chí khí chống ngoại xâm từ bao đời nay, dù “Làng Sen đóng khố thay quần, ít cơm, nhiều cháo tảo tần quanh năm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra ở quê hương xứ Nghệ, trong một gia đình nhà nho yêu nước. Chính những ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ của gia đình, của quê hương, con người xứ Nghệ đã hun đúc nên khí chất cách mạng và sự cần mẫn, kiên trì, lòng yêu nước, thương dân sâu sắc của Hồ Chí Minh. Và Người cũng là đại diện, là hiện thân rõ nét nhất về bản lĩnh của con người xứ Nghệ.

P.V: Từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước và đến lúc Người đi xa, Người chỉ có 2 lần về thăm quê. Tuy nhiên, trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Quê hương nghĩa trọng tình cao” và Người cũng đã có hàng chục bức thư gửi đến người dân quê nhà. Trong những tình cảm ấm áp mà Người đã dành cho người dân xứ Nghệ, điều gì để lại cho bà ấn tượng nhất?.

Tiến sỹ Bùi Thị Cần: Những năm tháng đấu tranh, mặc dù rất bận rộn nhưng Bác đã dành những bức thư gửi về quê hương trong thời gian lãnh đạo đất nước từ sau Cách mạng Tháng Tám cho đến lúc qua đời. Điều ấn tượng trong những tình cảm ấm áp mà Bác Hồ đã dành cho người dân xứ Nghệ là: Một người hoạt động cách mạng luôn kiên định quan điểm “hy sinh việc nhà, chăm lo việc nước”. Tình cảm của Bác đối với quê hương cũng như chính tình cảm của Bác dành cho dân tộc Việt Nam. Tình cảm của Bác luôn có sự thống nhất, hòa quyện giữa cái riêng và cái chung, trong đó, đặt lợi ích của dân tộc, của toàn thể nhân dân lên trên hết. Do đó, với Bác chăm lo cho sự no ấm, phát triển của quê hương tỉnh nhà cũng chính là góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Phần lớn trong các bức thư, Bác đều gửi gắm nhiều tình cảm trân trọng đối với con người ở quê hương. Các bức thư nhắn nhủ các vấn đề quan trọng như kêu gọi quân, dân Nghệ An đẩy mạnh phong trào đánh giặc và sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động; chấn chỉnh tinh thần và đạo đức cách mạng của cán bộ; khen ngợi và động viên nhân dân trong các phong trào kháng chiến, kiến quốc. Đặc biệt, trước khi qua đời chỉ hơn 1 tháng, Người đau đáu nỗi niềm đối với quê hương, Người còn gửi thư cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 21/7/1969 căn dặn những điều mà Người hằng quan tâm đối với tỉnh nhà và nhờ Tỉnh ủy chuyển lời chúc toàn thể đồng bào, chiến sỹ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong tỉnh mạnh khỏe và tiến bộ. Bức thư cuối cùng này có giá trị như một bản Di chúc thiêng liêng của Người đối với quê hương.

P.V: Xin cảm ơn Tiến sỹ Bùi Thị Cần về cuộc trò chuyện này!.