GS, TS, NGƯT. Đinh Xuân Khoa
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức là nguồn lực hết sức quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong việc hoạch định và triển khai chiến lược phát triển đất nước. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần tăng cường quán triệt và triển khai có hiệu quả hơn Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục thể chế hóa và kiên định thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ trí thức, rà soát hệ thống luật pháp và các văn bản liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức để sửa đổi, bổ sung, ban hành phù hợp với tình hình thực tế.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn đánh giá cao vị trí của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(1). Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, phát huy mạnh mẽ vai trò quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 27). Nghị quyết số 27 này đã giải quyết một cách căn bản những vấn đề liên quan đến đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong Nghị quyết số 27, Đảng ta đã khẳng định quan điểm: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững... Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”(2). Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật nhưng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục đề ra những chính sách quan trọng đối với đội ngũ trí thức để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Thực trạng xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm qua
Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06-8-2008 về xây dựng đội ngũ trí thức; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31-10-2012 về phát triển khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ,... Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Thông báo số 165-TB/TW, ngày 27-6-2008 về Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là Đề án 165); Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24-01-2014 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-TTg, ngày 19-4-2000 phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước(gọi tắt là Đề án 322) và Quyết định số 911/QĐ-TTg, ngày 17-6-2010 phê duyệt Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 911)... Nhà nước đã đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức, lập các giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học và các danh hiệu cao quý. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức của nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, tính đến nay cả nước có 11.949 giáo sư, phó giáo sư (trong đó có 1.789 giáo sư, 10.160 phó giáo sư)(3). Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017, cả nước có 72.792 giảng viên đại học, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người, thạc sĩ là 43.127 người, chuyên khoa 1 và 2 là 523(4). Số lượng các bài báo của đội ngũ trí thức được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong danh mục ISI và Scopus) ngày càng tăng, trung bình mỗi năm tăng 18%, tập trung ở các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, y - dược học, hóa học - công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, chăn nuôi - thú y - thủy sản... Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu, sáng tạo ra những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Đặc biệt, số trí thức trẻ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhiều.
Bên cạnh trí thức trong nước, hiện nay có khoảng 400.000 trí thức Việt kiều (chiếm trên 10% số người Việt Nam ở nước ngoài) có trình độ từ đại học trở lên đang sinh sống và làm việc ở gần 100 quốc gia, tập trung chủ yếu ở các nước: Mỹ, Ca-na-đa, Nga, Ba lan, Pháp, Đức, Nhật, Ô-xtrây-li-a... Hầu hết trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức nước ta còn tồn tại một số hạn chế, như cơ cấu đội ngũ trí thức thiếu cân đối về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, vùng, miền... Số lượng chuyên gia đầu ngành chưa nhiều; các tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế còn ít. Số công trình (nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn khiêm tốn. Theo thống kê cơ sở dữ liệu Web of Science trong giai đoạn 2011 - 2016 thì Việt Nam có 15.048 công bố thuộc danh mục Viện thông tin khoa học (ISI). Đây là số lượng tương đối thấp so với các nước ASEAN: Thái Lan có 42.552 công bố, Ma-lai-xi-a có 63.455 công bố; Xin-ga-po có 73.348 công bố. Chất lượng các công bố thông qua chỉ số trích dẫn của Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước ASEAN, nhất là Xin-ga-po. Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ trong giai đoạn 1982 - 2015, Việt Nam chỉ có 661 bằng sáng chế. Trong khi đó Xin-ga-po cấp 1.651 bằng sáng chế chỉ trong 3 năm (2012 - 2015), Thái Lan cấp 4.899 bằng trong 6 năm (2005 - 2011), Ma-lai-xi-a cấp 381 bằng trong năm 2014. Trung bình mỗi năm các nước này cấp 381-816 bằng sáng chế trong khi Việt Nam chỉ 20 bằng sáng chế(5). Chỉ số Kinh tế tri thức (KEI) và Chỉ số tri thức (KI); năng suất lao động của người Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Theo thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Xin-ga-po; 17,6% của Ma-lai-xi-a; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của In-đô-nê-xi-a; 56,7% của Phi-líp-pin và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào(6). Bên cạnh đó, trình độ ngoại ngữ, năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ quan nghiên cứu còn hạn chế. Một bộ phận trí thức tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu chưa cao, có biểu hiện lệch lạc về quan điểm. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh được đào tạo ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp không muốn về nước làm việc. Sinh viên các tỉnh tốt nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không muốn trở về phục vụ quê hương. Số trí thức chưa có việc làm còn nhiều. Theo Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 16, quý IV năm 2017, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 15-3-2018 thì cả nước có 1,071,2 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó có 215,3 nghìn người có trình độ đại học trở lên, 78,8 nghìn người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp(7).
Những hạn chế nói trên của đội ngũ trí thức do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây: Đảng và Nhà nước vẫn chưa xây dựng được chiến lược phát triển đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết số 27. Hiện nay, một số ngành, địa phương đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức của ngành và địa phương mình nhưng thiếu tổng thể và chưa đồng bộ. Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trí thức chậm đi vào thực tiễn, như Kết luận số 86-KL/TW, ngày 24-01-2014, của Bộ Chính trị Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020...Hành lang pháp lý bảo đảm môi trường dân chủ và tự do học thuật chưa đồng bộ. Công tác tuyển chọn, đánh giá, sử dụng đội ngũ trí thức có lúc, có nơi chưa hợp lý, thiếu chính sách và cơ chế để trí thức chuyên tâm cống hiến, phát triển và được xã hội tôn vinh bằng chính kết quả hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp. Quy định tài chính trong một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, văn học, nghệ thuật,... còn bất cập, dẫn đến một số trí thức làm việc còn đối phó, chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao. Đảng và Nhà nước chưa có giải pháp đủ mạnh để thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giải quyết những vấn đề của đất nước. Theo số liệu công bố tháng 1-2018 của Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, thì mỗi năm chỉ có khoảng 300 lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo(8)...
Đề xuất chính sách đối với đội ngũ trí thức để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế
Trong những năm tới, Đảng và Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được đề ra trong Nghị quyết số 27, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ trí thức. Tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, quy hoạch phát triển nhân lực của các tỉnh, thành và bộ, ngành; xây dựng và ban hành chiến lược phát triển đội ngũ trí thứctheo tinh thần Nghị quyết số 27. Quốc hội cần sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (năm 2005) và Luật Giáo dục đại học (năm 2012). Tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban, ngành cần rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, nghiên cứu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng một số trường đại học ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tạo điều kiện để các trường đại học, viện nghiên cứu của nước ngoài mở cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định số 174/2008/TTg, ngày 31-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg, ngày 27-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 174. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; vị trí việc làm, định mức lao động, chế độ làm việc; nội dung và hình thức thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Thủ tướng Chính phủ cần ban hành “Đề án tăng cường năng lực đào tạo đội ngũ trí thức trình độ tiến sĩ theo các chuẩn quốc tế đối với các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong nước” để tạo sự phát triển bền vững cho quốc gia (tương tự Đề án 322 và Đề án 911 gửi đi đào tạo ở nước ngoài). Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ. Sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ đội ngũ chuyên gia đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức ở nước ngoài để giải quyết các nhiệm vụ có ý nghĩa quốc gia.
Thứ hai, tạo lập môi trường phát huy vai trò của trí thức. Định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ. Bảo đảm vấn đề tự do học thuật của đội ngũ trí thức tại các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Phê phán sự thành kiến và quy chụp đối với những ý kiến phản biện mang tính xây dựng của đội ngũ trí thức. Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng chế và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước. Xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức các diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra; giảm bớt thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ. Nhà nước tăng cường đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ hiện đại, các khu công nghệ cao quốc gia, các trường đại học trọng điểm quốc gia theo mô hình tiên tiến của thế giới để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước. Tiếp tục củng cố, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, tạo môi trường lành mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức.
Thứ ba, chú trọng sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Đảng và Nhà nước cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng, được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình. Thực hiện chủ trương phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhà nước; trong việc sử dụng nhân lực và tài chính theo nhu cầu của đơn vị. Có chính sách động viên và tiếp tục sử dụng đội ngũ trí thức đã hết tuổi lao động có trình độ cao, tâm huyết và còn sức khoẻ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Tăng cường ưu đãi về tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt,... đối với đội ngũ trí thức làm việc ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... Đổi mới, nâng cao chất lượng xét chọn và nâng mức thưởng đối với các danh hiệu cao quý và các giải thưởng nhà nước dành cho trí thức. Có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh đối với trí thức đầu ngành, những người được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia, trí thức trẻ tài năng, bảo đảm “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Thứ tư, tăng cường thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Đảng và Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước. Có cơ chế khuyến khích các cơ sở khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật,... ở trong nước mở rộng hợp tác, trao đổi chuyên gia, thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính đối với trí thức Việt kiều. Tạo điều kiện thuận lợi để trí thức Việt kiều mua nhà ở, sinh sống và làm việc tại Việt nam. Tăng cường biểu dương, khen thưởng các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong vận động xây dựng cộng đồng, đóng góp xây dựng đất nước, tổ chức và cá nhân trong nước có thành tích trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài./.
------------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 156
(2) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII
(3) http://www.hdcdgsnn.gov.vn
(4) https://www.moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-giao-duc-dai-hoc.aspxnay-3317714/nghiep-40-8163.html
(5) https://niptex.gov.vn/vi
(6) http://vneconomy.vn/tong-cuc-thong-ke-nangsuat-lao-dong-nguoi-viet thua-lao-bang-7-singapore-20171227161950647.htm
(7) http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=27631
(8) http://www.vusta.vn/vi/news/Lien-hiep-hoi-1733/Phat-huy-vai-tro-cua-tri-thuc-nguoi-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai-61378.html
Theo Tạp chí Cộng sản