Bộ GD&ĐT: 4 nhóm việc quan trọng

Với Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng đưa ra 4 nhóm việc quan trọng mà các vụ cục thuộc Bộ có liên quan cần phải xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết.

Nhóm thứ nhất là rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản pháp luật khác liên quan theo tinh thần không phát sinh các thủ tục hành chính và bám sát vào tinh thần tự chủ ĐH, đồng thời chú trọng đến các đối tượng chịu tác động là các cơ sở giáo dục ĐH.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Bộ trưởng nhấn mạnh đến cách làm mới, đó là: Quy trình, thủ tục thực hiện theo quy định, nhưng chú trọng tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động, mà các khâu này trực tiếp là các ĐH, trường ĐH.

Khung đề cương Thông tư theo quy định, còn nội hàm những vấn đề, các trường phải đề xuất, rồi tổ công tác, ban soạn thảo cùng làm; để khi ban hành Thông tư thì đó chính là ý chí, đề nghị, mong muốn của các cơ sở giáo dục ĐH, không phải ý chí không làm được thì quản của Bộ GD&ĐT; từ đó tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho các trường.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã hình thành 49 đề tài nghiên cứu, tập trung trí tuệ của các thầy cô, nhà khoa học, tham mưu chính sách cho Bộ; trong đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Nghị định 99 đều có đóng góp lớn của các nhà khoa học thông qua các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước.

 Bộ GD&ĐT tập trung chức năng, nhiệm vụ về pháp chế, tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành văn bản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các trường, đảm bảo chặt chẽ để quản lý chất lượng; đồng thời tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý nếu có vi phạm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định số 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để sớm trình Chính phủ ban hành. Chúng ta phải nghiêm để một mặt khuyến khích các trường làm tốt, nhưng đồng thời cũng phải răn đe, có chế tài xử phạt nghiêm các trường làm không tốt.

Nhóm nhiệm vụ thứ 2, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục ĐH quốc gia. Trên cơ sở chuẩn cơ sở dữ liệu thì chuẩn kết nối; từ điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đầu ra, tất cả các chỉ số của một cơ sở giáo dục ĐH phải được công khai, qua đó xã hội và các bên liên quan giám sát.

Thứ 3 là chỉ đạo các trường tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng. Cho rằng, chúng ta một mặt được tự chủ, nhưng mặt khác phải giải trình, giải trình thông qua kiểm định, Bộ trưởng nhấn mạnh việc tiến tới nâng cao chất lượng kiểm định đích thực, để xem chất lượng của ngành, của trường, của từng cơ sở giáo dục ĐH đang ở đâu so với chuẩn tối thiểu.

Làm được như vậy, xã hội sẽ giám sát và bản thân cán bộ, viên chức trong nhà trường cũng thấy mình đang ở đâu để cố gắng. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các vụ cục đang rất quyết tâm để tới đây sửa Thông tư về kiểm định viên; đồng thời, có kế hoạch kiện toàn các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, Nghị định 99 và các văn bản khác.

Nhóm vấn đề thứ 4 với Bộ GD&ĐT là công tác thanh tra. Nhìn vào thực tế, theo Bộ trưởng, chúng ta có thanh tra, nhưng đâu đó, lúc này lúc khác còn chưa hết được, dẫn đến còn góc khuất chưa được phơi bày. Thanh tra tới đây phải có quy định không tràn lan, đúng, trúng. Bộ trưởng đồng thời khuyến nghị các cơ sở giáo dục ĐH cần kiện toàn bộ phận thanh tra, pháp chế; tăng cường năng lực cho thanh tra đủ mạnh để chủ động rà soát, khắc phục các vấn đề của nhà trường.

“4 nhóm nhiệm vụ này, Bộ đã chuẩn bị kĩ và làm tới đâu chắc tới đó; mục đích không phải để các trường phải tuân thủ mà là để các trường phát triển bền vững trong thực hiện tự chủ” – Bộ trưởng chia sẻ.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. 

3 lưu ý với các cơ quan chủ quản

Khẳng định chúng ta vẫn thực hiện chế độ chủ quản, nhưng theo một cách rất khác, Bộ trưởng làm rõ: Chủ quản trước đây nặng về tính hành chính, coi ĐH, trường ĐH như đơn vị trực thuộc giống như các đơn vị khác, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác… Nhưng nay, các cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc bộ ngành, hay địa phương phải thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99.

Trước hết, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương trực tiếp phụ trách mảng này phải chủ động, đây là trách nhiệm phân công theo Luật, theo phân công của Chính phủ, chứ không phải “làm hộ” Bộ GD&ĐT; phải rất minh bạch, sòng phẳng, trách nhiệm đến đâu phải thực hiện đúng đến đó.

Vấn đề thứ 2 liên quan đến các cơ quan chủ quản được Bộ trưởng nhấn mạnh là chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường; trong đó, có việc cử đại diện đủ năng lực, trách nhiệm để tham gia Hội đồng trường. Việc bầu được đúng người người làm Chủ tịch Hội đồng trường, quy chế tổ chức hoạt động nhà trường, các công việc liên quan đến trách nhiệm quyền hạn của Hội đồng trường thì cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm. Khi có được Hội đồng trường đủ năng lực, đủ trách nhiệm sẽ đại diện được tốt cho cơ quan chủ quản.

Vấn đề thứ 3, theo Bộ trưởng là phải tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ. Những vấn đề xảy ra trong nhà trường, trước hết nhà trường phải tự phát hiện ra, sau đó là cơ quan chủ quản phải phát hiện và xử lý, sau đó mới đến cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ GD&ĐT.

“3 nhóm việc này, cơ quan chủ quản phải chủ động. Đây là trách nhiệm chứ không phải yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT có trách nhiệm để phối hợp cùng các cơ quan thực hiện” – Bộ trưởng cho hay.

Đại biểu phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. 

5 nhóm việc với cơ sở giáo dục ĐH

Với các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ trưởng đưa ra 5 nhóm việc cần lưu ý. Trong đó, việc đầu tiên là phổ biến, hướng dẫn, quán triệt sâu rộng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Nghị định 99 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của cơ quan chủ quản, cũng như các văn bản khác đến từng giảng viên, người lao động trong nhà trường.

Tiếp đó, phải có kế hoạch chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường theo lộ trình quy định; tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn Hội đồng trường.

Việc thứ 3 là tổ chức xây dựng các văn bản, quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường; trong đó đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường bảo đảm chất lượng. Trong quá trình làm cần bám sát Luật, Nghị định, bám sát các văn bản khác và tham khảo các cơ sở giáo dục ĐH khác. Bộ GD&ĐT sẽ không có hướng dẫn thêm, để các trường chủ động, nhưng sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, đồng hành cùng các trường để có thể xây dựng được quy chế tốt, khả thi.

Vấn đề thứ 4 được Bộ trưởng nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm lộ trình, tiến độ, các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và cơ quan chủ quản. Các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT sẽ gương mẫu làm trước, tiên phong thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, các trường cần lưu ý có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là Hội đồng trường; từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.

“Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng tiên phong làm tốt công việc của mình; đồng thời phối hợp với các cơ quan chủ quản và luôn đồng hành, hỗ cùng các cơ sở giáo dục ĐH. Chúng ta cùng nhau từng bước, khẩn trương, làm tới đâu chắc tới đó, thì sẽ có một lộ trình tốt để thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH và Nghị định 99” – Bộ trưởng thể hiện tin tưởng.

Trong buổi sáng, Hội nghị đã làm việc rất hiệu quả. Ngoài Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo các đơn vị, vụ cục thuộc Bộ GD&ĐT, tham gia hội thảo còn có đại biểu đại diện các bộ ngành, cơ quan trung ương, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh, 10 sở GD&ĐT và 853 đại biểu đến từ 265 cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước.

Hiếu Nguyễn