Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị.
Đến dự có đại diện của các ban Đảng Trung ương, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hà Nội và Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
NHIỀU NỖ LỰC TRONG LĨNH VỰC KHOA GIÁO CHƯA ĐƯỢC XÃ HỘI NHÌN NHẬN ĐẦY ĐỦ
Khối khoa giáo bao gồm các bộ, ngành phụ trách các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường, công tác trí thức, y tế, dân số, gia đình, trẻ em, thể dục thể thao, an sinh xã hội… Đây đều là những lĩnh vực có tác động lớn, trực tiếp, thường ngày đối với đời sống, tư tưởng xã hội, luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân, nhiều vấn đề nóng phát sinh, đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi phải tham mưu, triển khai trên diện rộng, phải có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên.
Đánh giá tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, thời gian qua, trên mọi mặt của từng lĩnh vực khoa giáo đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều kết quả, có lĩnh vực phối hợp tốt, có lĩnh vực phối hợp chưa tốt giữa cơ quan Trung ương với bộ, ban, ngành, địa phương… Nguyên do có thể vì phong cách điều hành, chỉ đạo có những thay đổi, có những vấn đề quan tâm đúng mức, có vấn đề chưa được quan tâm đủ, nhiều nỗ lực cố gắng của từng ngành được xã hội biết đến nhưng cũng có những lĩnh vực xã hội chưa biết, nhìn nhận và đánh giá chưa đầy đủ, khách quan. Điều đó đòi hỏi công tác phối hợp, cơ chế thông tin trong công việc cũng như thông tin truyền thông ra xã hội phải có sự thay đổi và hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến các lĩnh vực khoa giáo, tập trung vào những vấn đề gây bức xúc xã hội hiện nay trong giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ trẻ em; bảo vệ môi trường…
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương |
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, trong 6 tháng đầu năm, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, xây dựng, triển khai kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng liên quan đến các lĩnh vực khoa giáo.
Ngày 26/12/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 77-HD/BTGTW hướng dẫn công tác khoa giáo năm 2019. Công tác theo dõi, phối hợp giữa ban tuyên giáo và các ngành trên lĩnh vực khoa giáo đạt nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến quan trọng trong việc gắn hoạt động khoa giáo vào thực tiễn của địa phương, bộ, ngành.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sơ kết, tổng kết 4 nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong lĩnh vực khoa giáo, từ đó tham mưu Ban Bí thư ban hành 4 kết luận quan trọng là: Kết luận số 49, ngày 10/5/2019 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Kết luận số 50, ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học và công nghệ; Kết luận số 51, ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về giáo dục và đào tạo; Kết luận số 52, ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ trí thức…
Hiện một số chỉ thị, nghị quyết quan trọng trong lĩnh vực khoa giáo đang được triển khai sơ kết, tổng kết như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tổng kết 10 năm thực hiện: Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư khóa X về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới, Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Hội nghị cũng đã đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, công tác khoa giáo đã đạt được một số kết quả cụ thể:
Về khoa học và công nghệ (KHCN): đã xây dựng Hệ tri thức Việt Nam và vận hành hiệu quả các cổng thông tin về KHCN; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khai thác phát triển tài sản trí tuệ; lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động KHCN; gặp gỡ tôn vinh trí thức khoa học tiêu biểu tạo sự lan toả ý nghĩa; vai trò của khoa học công nghệ, người làm khoa học và công nghệ trong phảt triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc... Về giáo dục và đào tạo: Các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện; đổi mới công tác quản lý giáo dục; tiếp tục rà soát, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Về giáo dục nghề nghiệp: Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuẩn bị xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phân luồng, liên thông trong đào tạo nghề, tăng cường tư vấn hướng nghiệp, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập... Về y tế: Đẩy mạnh việc thực hiện nghị quyết về việc thực hiện chương trình sức khoẻ Việt Nam, đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế, tăng độ bao phủ về bảo hiểm y tế hiện nay ở nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao... Về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về vấn đề này tiếp tục được hoàn thiện; các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nạn nhân từng bước được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật... Về thể dục thể thao và gia đình: Việt Nam đã đạt nhiều thành tích cao tại các giải thể thao quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2019; công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và nhiều vấn đề gia đình khác đã được quan tâm chú trọng. |
|
Đại diện các bộ, ngành cũng đã nêu, phân tích và dự báo một số vấn đề nếu không có sự điều chỉnh về chính sách hoặc thay đổi cách tiếp cận sẽ có thể dẫn đến những vấn đề dư luận bức xúc.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh đến yêu cầu đào tạo cho khoa học cơ bản bởi nguy cơ thiếu hụt tài năng trong tương lai; cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, y tế, nước sạch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; ưu tiên xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường...
Phó trưởng Ban Dân vận, đồng chí Bùi Tuấn Quang cho rằng, nhân dân còn nhiều bức xúc, băn khoăn, lo lắng liên quan đến lĩnh vực khoa giáo. Cần tăng cường, mở rộng phản biện xã hội, lắng nghe và xử lý rốt ráo những vấn đề dư luận quan tâm.
TRÁNH CÓ SỰ CỐ MỚI BÀN
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp trong tham mưu, xây dựng chương trình hành động thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Phó Thủ tướng đánh giá thời gian gần đây, sự phối hợp giữa cơ quan tham mưu và cơ quan quản lý, giữa các đơn vị, bộ, ngành đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những nhận thức hời hợt trong phối hợp, tính chủ động chưa cao, khi có sự cố mới trao đổi thông tin, mới bàn bạc. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, quan trọng là phối hợp tốt hơn nữa để làm chuyển biến nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị đối với các lĩnh vực khoa giáo là những mặt của đời sống, là những thành tố để phát triển bền vững, luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân. “Phát triển bền vững, suy cho cùng là bảo vệ môi trường xã hội, bảo vệ những thành tố ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Chúng ta nói phải đi đôi với làm, phải chủ động bàn các vấn đề xã hội chứ không để có sự cố mới bàn…” - Phó Thủ tướng lưu ý.
LÀM TỐT CÔNG VIỆC LÀ CÁI GỐC
Kết luận, chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hình thức giao ban công tác khoa giáo, cho rằng việc tổ chức giao ban giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong khối khoa giáo để nhìn nhận, đánh giá, điều chỉnh, rút kinh nghiệm cũng như thông tin trong công tác khoa giáo là cần thiết, cần duy trì, từng bước nâng cao về nội dung, phương thức, chất lượng giao ban.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá, 6 tháng qua, đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác khoa giáo, một số lĩnh vực đạt kết quả tốt. Đồng chí cũng nhất trí với những ý kiến nêu ra tại hội nghị, chỉ ra nhiều vấn đề còn vướng mắc trong lĩnh vực khoa giáo, đặt ra nhiều thách thức phải giải quyết.
Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, từ nay tới cuối năm, làm tốt việc tham mưu cho Ban Bí thư sơ kết, tổng kết theo đúng quy định của Đảng về những nghị quyết, chỉ thị đối với các lĩnh vực khoa giáo, khắc phục những bất cập trong việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, lắng nghe ý kiến cơ sở, đánh giá thực tiễn, tìm kiếm giải pháp, tránh tình trạng “quên nghị quyết”. “Nhiều đồng chí ở địa phương, bộ, ngành, khi gặp vấn đề khó trong thực tiễn, triển khai thường đề xuất, kiến nghị, Đảng nên có chỉ đạo về vấn đề này. Nhưng giở nghị quyết, chỉ thị ra đều đã có mà các đồng chí “quên” không bám sát. Có khi Đoàn đi kiểm tra, nhiều đồng chí mới biết có nghị quyết, chỉ thị như vậy…” – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ hiện tượng.
Thứ hai, khoa giáo bao gồm nhiều lĩnh vực gắn liền với đời sống nhân dân nên được người dân đặc biệt quan tâm và tham gia ý kiến như giáo dục, y tế,.. Do đó, thông tin phải đi trước một bước, chủ động thông tin để nhân dân cập nhật, ủng hộ và đồng thuận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thứ ba, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhất là đối với những sự việc phát sinh trong thực tiễn, đòi hỏi giải quyết nhanh, ngay tức thì. Thời gian qua, có một số việc do phối hợp chậm, dẫn đến thông tin chậm, xử lý chậm.
Thứ tư, về cơ chế thông tin, hiện nay có nhiều hình thức: giao ban báo chí, hội nghị báo cáo viên, phát hành các tài liệu quán triệt đến các cấp... Nhưng quan trọng là thông tin phải đầy đủ, khách quan, trung thực.
Thứ năm, một số vấn đề tuy cụ thể nhưng có ý nghĩa chiến lược, có thể tích lũy dần để góp phần bổ sung vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng và để triển khai các nhiệm vụ của công tác khoa giáo. Chẳng hạn, về chính sách sử dụng trí thức, nhân tài, nếu không điều chỉnh sẽ dẫn đến mai một, hụt hẫng nhân tài trong nhiều lĩnh vực hẹp. Hay hiệu quả xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập phải hiểu cho đúng. Xã hội hóa không phải nhà nước không làm nữa, mà để làm tốt hơn...
Cao Nguyên