Bước chuyển ngoạn mục trong tổ chức dạy học online
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh, Bộ GDĐT đã nhanh chóng và kịp thời chỉ đạo các cơ sở giảng dạy trực tuyến qua các phần mềm, ứng dụng, các kênh truyền hình giúp việc học tập không bị gián đoạn.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh
"Qua việc giảng dạy trực tuyến, điều chúng ta nhận thấy rất rõ đó là sự chuyển biến về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo trong toàn bộ hệ thống giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Tôi cho đây là mặt tích cực mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới”, đại biểu Ánh nói.
Nữ đại biểu bày tỏ sự xúc động trước hình ảnh các thầy cô giáo vùng cao trèo đèo, lội suối đến tận nhà, tận bản mang bài ôn tập cho học sinh khi không có đủ điều kiện học online.
"Cùng với đó là hình ảnh các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ để đến những nơi có sóng điện thoại để kịp thời ôn tập chương trình tốt nghiệp. Đây là những hình ảnh mà các cấp, các ngành chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và trăn trở", đại biểu chia sẻ.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Việt Nam là nước đi đầu trong việc áp dụng biện pháp đóng cửa trường học trên toàn quốc khi xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng ngành Giáo dục đã có bước chuyển ngoạn mục trong việc tổ chức dạy học online.
“Đến nay, dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò, không chỉ ở trên lớp mà ở tất cả các thời điểm trong ngày”, đại biểu Cường phân tích.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường
Nhận định về nỗ lực của ngành Giáo dục, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã có sự chủ động rất lớn để ứng phó với dịch bệnh. Bộ GDĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ các nhà trường dạy học qua internet, trên truyền hình; phối hợp tốt với Bộ Y tế có những quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học, nhất là khi học sinh đi học trở lại.
“Trong khi nửa tỷ học sinh trên thế giới phải nghỉ học do lo ngại dịch Covid-19 thì Bộ GDĐT đã thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học” và thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch năm học". Trong khi nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ phải hủy kỳ thi tốt nghiệp do dịch bệnh thì Bộ GDĐT đã đưa ra được phương án phù hợp”, đại biểu Quách Thế Tản nói, đồng thời đề nghị, Bộ GDĐT tiếp tục phát huy kết quả này.
Nói về sự chủ động cũng như thích ứng của ngành Giáo dục trong đại dịch, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, vừa qua, Bộ GDĐT và các trường đại học, các học viện đã rất chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, đã áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy và đào tạo, đặc biệt đã chủ động xây dựng các kịch bản để ổn định trở lại các hoạt động đào tạo và thi tuyển sinh đại học.
Tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng
Liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 88 và yêu cầu biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ GDĐT, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: “Chúng ta cần ghi nhận và đánh giá cao Bộ GDĐT đã tự cắt bỏ, đặc ân trong việc biên soạn riêng bộ sách giáo khoa, vì nếu biên soạn thì bộ sách này dù chất lượng thế nào cũng sẽ được lựa chọn nhiều nhất.
Không biên soạn bộ sách riêng, điều đó không chỉ tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mà còn tạo điều kiện quan trọng để chúng ta thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, tạo sự bình đẳng trong giáo dục”.
Đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản
Cũng về vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ GDĐT chỉ đạo thực hiện tốt lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 - năm học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
"Chính phủ đồng thời cần quan tâm cụ thể việc định giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân. Vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt", đại biểu Quách Thế Tản chia sẻ.
Đề cập đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đại biểu Quách Thế Tản cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ tổng kết của Chính phủ, của cấp ủy và chính quyền chưa thường xuyên, chặt chẽ và có nơi chưa thực chất, do đó hiệu quả của các chương trình, đề án về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt được chưa cao. Do đó, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp có hiệu quả để khắc phục hạn chế này.
Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng
Phát biểu góp ý cho báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đề nghị, Chính phủ phải thực sự ưu tiên nguồn lực, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học trong các cấp học. Hoàn thiện văn bản và tổ chức hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, đặc biệt giải trình về chất lượng giảng dạy, công tác tuyển sinh, thu phí người học. Đồng thời hoàn thành quy hoạch mạng lưới, cơ cấu ngành nghề đào tạo, giáo dục đại học, dạy nghề. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đối với giáo dục phổ thông.
Đại biểu Phan Viết Lượng cũng đề nghị Chính phủ có hướng dẫn về tiêu chí, định mức xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo để đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 20% và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực này.