Nằm trong
dòng chảy của mọi hoạt động chính trị - xã hội, công tác tuyên giáo - một bộ
phận cấu thành của công tác Đảng với chặng đường 88 năm xây dựng và phát triển
đã và đang ngày càng khẳng định vai trò cũng như sự đóng góp quan trọng vào
những công việc chung của đất nước. Trước những đòi hỏi và yêu cầu ngày càng
cao của sự nghiệp cách mạng cùng những thách thức của thời cuộc, sứ mệnh và
trọng trách đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cũng ngày
càng lớn.
1. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII
của Đảng đến nay, có thể nhận thấy những gam màu sáng, chủ đạo, cơ bản trong
bức tranh tổng thể về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Nhiều quyết sách quan trọng, mang tính đột phá của Đảng trên nhiều lĩnh vực đã
và đang đi vào cuộc sống, “đơm hoa kết trái” thành công, được đông đảo cán bộ,
đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trên nền tảng đoàn kết, thống nhất, chủ
động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước ta đã hội nhập
quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam
trên trường quốc tế… Cán bộ, đảng viên và nhân dân vững niềm tin hơn khi công
tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ta thực
hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực… Trong những thành tựu cơ bản, quan
trọng đó, không thể phủ nhận cùng với các binh chủng khác, lực lượng làm công
tác tuyên giáo đã có những đóng góp, nỗ lực không nhỏ.
Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo là
đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt, tuyên truyền, sớm đưa Nghị
quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 khóa XII
vào cuộc sống. Tuyên giáo chủ động từ công tác chuẩn bị tài liệu, chọn báo cáo
viên đến thời gian tổ chức hội nghị sớm hơn, xây dựng nội dung thảo luận,
chương trình hành động, kế hoạch thực hiện khả thi hơn, chú trọng tính sát hợp
thực tế địa phương, đơn vị.
Việc tổ chức hội nghị trực tuyến từ
Trung ương được nhiều tỉnh, thành ủy kết nối đường truyền tới cấp huyện và
không ít nơi tổ chức đến cấp xã, mở rộng đối tượng học tập, rút ngắn thời gian
quán triệt tới cấp cơ sở đã nhận được sự hoan nghênh của nhiều cán bộ, đảng
viên.
Hệ thống tuyên giáo đã đổi mới hơn
trong tham mưu giúp cấp ủy tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số
05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh” với nhiều cách làm hay, sáng tạo, có ý nghĩa giáo dục tư tưởng chính trị,
đạo đức cao như: tổ chức hội thảo khoa học về giá trị lý luận và thực tiễn
trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng phim tài liệu về cuộc đời
và sự nghiệp cách mạng của Bác; tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà
cao quý”; trao giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật
báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh”. Đặc biệt, việc chú trọng biểu dương các điển hình tiên tiến trong học
tập và làm theo Bác đã tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội.
Cùng với việc chủ động, tích cực hơn
trong xây dựng các đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, những nội dung
liên quan đến sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến lĩnh
vực tuyên giáo cũng đã cơ bản bảo đảm tiến độ, mục đích, yêu cầu, chất lượng.
Năm 2017, lần đầu tiên Ban Tuyên giáo
Trung ương không bị tồn đọng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có đề án
hoàn thành trong thời gian rất ngắn theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư. Nhiều đề án
có nội dung mới và khó thuộc các lĩnh vực công tác tuyên giáo là cơ sở khoa học
phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công
tác tư tưởng chính trị như: Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính
trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh”; “Tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò báo chí, xuất bản trong
việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, “Tổ chức trao đổi, đối thoại với
các cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng”, “Tiếp tục
đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng phát triển
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, “Tăng cường
đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái,
thù địch”, “Chủ động thông tin tích cực trên Internet, mạng xã hội”.
Nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng,
hiệu quả công tác lý luận chính trị, tăng cường đấu tranh bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng được chú trọng cả về mặt khoa học và tính thực tiễn. Ban Tuyên
giáo Trung ương đã phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn đạt chất lượng
15 bộ tài liệu hướng dẫn chuyên đề giảng dạy trong các Trung tâm bồi dưỡng
chính trị cấp huyện. Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội, biên soạn thành công các chương trình lý luận chính trị giảng
dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trường dạy nghề. Bên cạnh đó, đã và
đang phối hợp tổ chức các hội thảo tầm quốc gia, quốc tế để làm rõ những giá
trị lý luận và đóng góp của Đảng vào việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác -
Lênin vào cách mạng Việt Nam, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng
định tính đúng đắn, hợp quy luật của con đường cách mạng Việt Nam. Cùng với đó,
các tỉnh, thành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao ý thức
trách nhiệm của đảng viên trong tham gia mạng xã hội; tổ chức mở rộng lực lượng
đấu tranh phản bác, mỗi năm viết hàng ngàn tin, bài đấu tranh trực diện, gỡ bỏ
hàng trăm ngàn thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Với những hình thức, phương pháp đa
dạng, hệ thống tuyên giáo đã có những phát hiện kịp thời, báo cáo nhanh về một
số vấn đề phức tạp có sự tác động lớn đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và
nhân dân; tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy những giải pháp phù
hợp nhằm định hướng, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, mâu thuẫn. Với nhiều hình
thức phong phú, sinh động, có chiều sâu, cả hệ thống tuyên giáo đã tích cực tổ
chức tuyên truyền, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo; nhất là các
hoạt động kỷ niệm sự kiện, ngày lễ lớn như: 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến;
50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; 70 năm Ngày Thương
binh, Liệt sĩ; 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; 100 năm Cách
mạng Tháng Mười Nga…
Trong công tác chỉ đạo, định hướng
chính trị các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, vai trò của Ban
Tuyên giáo Trung ương có nhiều nét đổi mới, nhất là đã chủ động phối hợp với
các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động như: Hội báo, hội sách, triển
lãm, trao giải thưởng báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật; quan tâm tổ chức
bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho những người làm công tác
báo chí, xuất bản, văn hóa; đồng thời chủ động phối hợp trong xử lý những tổ
chức, cá nhân có sai phạm về tính định hướng tư tưởng chính trị.
Công tác quản lý hoạt động lễ hội đã có
nhiều chuyển biến tích cực, giảm những biểu hiện phản cảm; thẩm định các chương
trình nghệ thuật phục vụ sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn.
Nhận thức rõ giáo dục và đào tạo, khoa
học, công nghệ, môi trường, y tế, dân số, an sinh xã hội là những lĩnh vực khó,
rộng, phức tạp, liên quan đến mọi tầng lớp xã hội, tác động sâu sắc, hằng ngày
đến người dân nên Ban Tuyên giáo Trung ương đã quan tâm tới việc đổi mới, nâng
cao chất lượng tham mưu, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng
trên lĩnh vực khoa giáo. Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp tham mưu, góp ý
các đề án xây dựng nghị quyết về y tế, dân số, chính sách tiền lương, bảo hiểm,
chính sách người có công trình Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII. Từ năm 2016
đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã thực hiện 12 đề án sơ kết, tổng kết nghị
quyết, chỉ thị thuộc lĩnh vực khoa giáo; cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học để Bộ
Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề rất quan trọng và bức
thiết đối với phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
Ngành Tuyên giáo đã từng bước đổi mới
nội dung, phương thức, từ đó, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ
đội ngũ làm công tác tuyên giáo, góp phần nâng cao tính thuyết phục, thiết
thực, hiệu quả của công tác tuyên giáo. Hệ thống tuyên giáo đang khẩn trương
xây dựng đề án về sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, nâng cao chất lượng theo
tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; đồng thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ
cương hành chính, đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng tham
mưu.
2. Những việc đã làm được của công
tác tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay là kết quả của
những “nét mới” thể hiện sự quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động,
nâng cao chất lượng công tác của ngành. Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận và
thừa nhận rằng, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ số, trước sự
“thu hẹp khoảng cách” của “thế giới phẳng”, đặc biệt là trước những yêu cầu
ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, phát triển, hội nhập sâu rộng đất nước
trong tình hình mới, thời cuộc, thế giới biến động khó lường, công tác tuyên
giáo vẫn chưa “vượt qua” được những hạn chế, bất cập, trong đó có những hạn chế
mang tính cố hữu cần tiếp tục khắc phục.
Cụ thể là: Vẫn còn những thời điểm tính
kịp thời, tính chiến đấu, tính nhạy bén, tính thuyết phục trong định hướng
tuyên truyền, định hướng tư tưởng chính trị, đặc biệt là đối với những vấn đề
phức tạp, bất ngờ… chưa được thực hiện tốt. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng,
tâm trạng, dư luận xã hội, định hướng chính trị tư tưởng trong hoạt động báo
chí - xuất bản, văn hóa, văn nghệ có lúc chưa kịp thời; thiếu sự triệt để trong
nghiên cứu, phân tích, dự báo xu hướng...
Công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa
nhiều khi còn lúng túng, thiếu giải pháp hữu hiệu. Việc thực hiện Chỉ thị
05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa thực
sự đi vào chiều sâu; quá trình tổng kết thực thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn
có những hạn chế so với yêu cầu, mục tiêu đề ra…
Mặc dù, đã có nhiều cố gắng cải tiến,
đổi mới nhưng sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp và các cơ quan quản lý
Nhà nước cùng cấp nhiều khi vẫn còn mang tính “thời vụ”, hình thức, thiếu chủ
động, chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác tuyên truyền thiếu chiều sâu và sức lan
tỏa, chưa có sự thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đổi mới và nâng cao, dù dưới bất kỳ hình
thức nào cũng phải bắt đầu từ con người. Chính vì thế, hạn chế đồng thời là
nguyên nhân của hạn chế xuất phát từ một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên giáo
các cấp chưa coi đây là một nghề nghiệp nên thiếu sự trau dồi, đào sâu tư duy,
nâng cao trình độ, tự học tập, nghiên cứu, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý
luận, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn; đồng thời không ít cán bộ, ở cả
Trung ương và địa phương còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện, đổi mới lề lối, tác
phong công tác, nên chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của ngành.
3. Quán triệt sâu sắc quan điểm của
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức,
nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư
tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn,
tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội”; bám sát sự lãnh đạo,
chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng nhằm đáp ứng và theo kịp
tình hình mới, từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XII và trong những năm tới,
toàn ngành Tuyên giáo tiếp tục không ngừng phấn đấu thực hiện có chất lượng,
hiệu quả cao hơn những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức
phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, nghị quyết của
Đảng; nâng cao chất lượng việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực
hiện các nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả, khả thi. Tăng
cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức học tập, quán triệt,
thực hiện nghị quyết của Đảng.
Thứ hai, đề ra nhiều giải pháp tham mưu Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số
05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về
“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển
hóa” trong nội bộ”…
Thứ ba, chú trọng nhiều hơn nữa công tác
nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, quan tâm phát hiện những điểm mới trong
đời sống xã hội, nâng cao chất lượng tham mưu các cấp ủy đảng trong từng lĩnh
vực công tác tuyên giáo. Chủ động tăng cường nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh
nghiệm, nhất là từ địa phương, cơ sở để cung cấp luận cứ khoa học, cơ sở lý
luận và thực tiễn cho quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ
XIII, các nghị quyết, chỉ thị và quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới thuộc lĩnh vực tuyên giáo, đặc biệt
là thực hiện tham mưu công tác tổng kết 30 năm Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).
Thứ tư, thể hiện rõ vai trò tiên phong, chủ lực
trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong cuộc đấu
tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa
bình”. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, có nhiều giải
pháp thực sự hữu hiệu để chủ động thông tin tích cực, đấu tranh phản bác, đẩy
lùi thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, đặc biệt là trên internet, mạng xã
hội. Chủ động phối hợp với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước
để định hướng tuyên truyền về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối đối
ngoại, quốc phòng, an ninh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của
Đảng, Nhà nước và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải
quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Thứ năm, tăng cường điều tra, nghiên cứu,
nắm bắt, phản ánh kịp thời, chính xác tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, cung
cấp thông tin cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết
kịp thời các vấn đề bức thiết trong đời sống xã hội. Gắn nghiên cứu với định
hướng tư tưởng chính trị, định hướng dư luận xã hội, góp phần bảo đảm môi
trường ổn định, hòa bình để đất nước phát triển nhanh, bền vững và hội nhập có
hiệu quả.
Thứ sáu, chú trọng đổi mới sâu sắc, quyết
liệt hơn nữa công tác tham mưu, định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động
báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, giáo dục và đào tạo, khoa học - công
nghệ, y tế, thể thao, an sinh xã hội… Làm tốt công tác định hướng tuyên truyền
toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô
hình, cách làm hay, các gương điển hình tiên tiến...
Thứ bảy, kiện toàn tổ chức bộ máy ban
tuyên giáo các cấp; triển khai thực hiện các quyết định mới về chức năng, nhiệm
vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo cấp
huyện. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ,
công chức, viên chức trong ngành, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu và bản
lĩnh chính trị của người cán bộ trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Có thể nói,
chưa bao giờ công tác tuyên giáo lại tham gia “xung kích” trên nhiều “mặt trận”
để giải quyết nhiều vấn đề mới, “nóng” nảy sinh trong thực tiễn như hiện nay.
Chắc chắn trong những năm tới, nhiều
vấn đề lý luận, tổng kết thực tiễn sẽ còn đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi phải
có sự giải quyết thấu đáo; nhiều vấn đề tư tưởng nảy sinh đòi hỏi tiếp xúc,
lắng nghe nhiều hơn, trao đổi sâu hơn, nghiên cứu, phân tích, dự báo nhanh hơn;
nhiều luận điệu sai trái, thù địch cần đấu tranh quyết liệt và hiệu quả hơn...
Đây không chỉ là những vấn đề đặt ra mà
còn là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn, quyết liệt hơn trong công tác
tuyên giáo của các lực lượng, các binh chủng. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ấy,
mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo cần phải không ngừng nỗ lực, đi trước, mở đường, làm
mới mình, làm cho mình “theo kịp sự tiến bộ của nhân dân”, của xã hội, như Bác
Hồ từng nhắc nhở, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng
với sự tin cậy của Đảng và nhân dân giao phó./.
Võ Văn Phuông
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó
Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương