CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRỰC TIẾP, CỤ THỂ, NỀN NẾP HƠN
Thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 26-7-2016, của Ban Bí thư, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện; trong đó, xác định rõ nội dung các công việc phải làm, phân công trách nhiệm thực hiện, thời gian hoàn thành.
Là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05, trong 3 năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành hướng dẫn, kế hoạch tổ chức học tập chuyên đề hằng năm, tổ chức giao ban định kỳ... một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đã thúc đẩy các địa phương, đơn vị tích cực thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng về công tác xây dựng Đảng.
Bộ phận giúp việc Quân ủy Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị số 05 xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch từng năm; định kỳ hằng quý giao ban để kịp thời biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được và uốn nắn, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình tham mưu giúp việc Quân ủy Trung ương thực hiện Chỉ thị. Từ đó, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu của quân đội, làm chuyển biến tình hình chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật đảng, kỷ luật quân đội, xây dựng tổ chức đảng trong toàn quân trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đảng ủy Công an Trung ương gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05 với chủ đề công tác của năm 2018 là “Năm công tác tổ chức cán bộ” thu được nhiều kết quả hết sức tích cực trong thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chủ động giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; khám phá nhanh các vụ trọng án; quyết tâm, quyết liệt xử lý tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”; biểu dương nhiều gương tiêu biểu, điển hình được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương lựa chọn 4 nội dung đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng chi bộ; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng và công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; tăng cường sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đưa vào kế hoạch năm 2019 việc thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với các nội dung cụ thể như: kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp...
Một số tỉnh ủy, thành ủy (như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang...) sớm ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình để thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Một số địa phương ban hành khá nhiều văn bản, như: Vĩnh Phúc (30 văn bản); Lạng Sơn (29 văn bản); Hà Giang (24 văn bản); Cao Bằng (17 văn bản)... Cấp ủy các cấp phân công, phân nhiệm cụ thể đối với các đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách, theo dõi cụm, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị. Nhờ đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo đã trực tiếp, cụ thể, nền nếp hơn, mang lại kết quả rõ rệt trong việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc xây dựng phong cách, tác phong công tác, ý thức tôn trọng nhân dân của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các ngành và địa phương có nhiều cố gắng, nỗ lực tìm tòi cách làm phù hợp với điều kiện của mình, như phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua, tổ chức các hội nghị, hội thảo, gặp gỡ, tọa đàm về cách làm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; tổ chức các hoạt động “về nguồn”, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu... Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được vận dụng sáng tạo đã đem lại kết quả tích cực trong thực tiễn.
|
Hội thảo khoa học 50 năm Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: SGGP |
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT, TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG
Việc thực hiện Chỉ thị số 05 trong thời gian qua được hỗ trợ mạnh mẽ bởi các nghị quyết, quy chế, chỉ thị. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Đảng đã ban hành 45 văn bản liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có 7 nghị quyết, 3 chỉ thị, 18 quy định, 8 kết luận, 3 kế hoạch và một số văn bản khác... làm cho việc tự giác của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nghị quyết ngày càng được khẳng định mạnh mẽ, chủ động hơn trên cơ sở kết hợp tinh thần “tự giác”, “trách nhiệm” thực hiện và tăng cường kiểm tra giám sát của tổ chức đảng. Đây chính là thế “kiềng 3 chân” để Chỉ thị số 05 được thực hiện nền nếp, thường xuyên và bền vững. Việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm quan trọng, thường xuyên, trở thành ý thức tự giác của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị.
Thứ nhất, tổ chức học tập, triển khai thực hiện chuyên đề hằng năm nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong hành động.
Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai học tập chuyên đề năm 2016 và cũng là chuyên đề toàn khóa: “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chuyên đề năm 2017: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, chuyên đề năm 2018: “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; và chuyên đề năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Học tập theo hình thức trực tuyến đã được hầu hết các địa phương, đơn vị triển khai từ tỉnh đến các cấp ủy trực thuộc; một số địa phương triển khai điểm cầu trực tuyến đến cấp xã/phường/thị trấn (các tỉnh Lai Châu, Bắc Giang, Lạng Sơn... triển khai học tập trực tuyến đến cấp xã; tỉnh Ninh Bình truyền hình, phát thanh trực tiếp các buổi học tập chuyên đề; in sao các buổi nói chuyện, học tập chuyên đề dưới dạng đĩa DVD để chuyển các đơn vị học tập, nghiên cứu; tỉnh Quảng Ninh cấp tài liệu đến bí thư, các chi, đảng bộ trực thuộc... Ở Thanh Hóa, nhân dịp kỷ niệm 72 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm tỉnh (20-2-1947 - 20-2-2019), Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai chuyên đề học tập, làm theo Bác năm 2019 theo hình thức trực tuyến trong toàn tỉnh với trên 962.000 cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi). Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền trong nhân dân với nhiều hình thức.
Qua học tập, các cấp ủy đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gửi đến chi bộ thẩm định, theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện. Cuối năm, kiểm điểm đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện với chi bộ. Trong sinh hoạt chuyên đề, hầu hết các chi bộ chú trọng phát huy tinh thần dân chủ, tự phê bình và phê bình để mỗi đảng viên thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm về tư tưởng, đạo đức, lối sống được đưa ra thảo luận, bàn biện pháp khắc phục.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch, lựa chọn vấn đề đột phá, đưa việc thực hiện cam kết làm theo đi vào nền nếp, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị được giao, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai Chỉ thị số 05 gắn với việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện hằng năm của cấp ủy; xác định nhiệm vụ trọng tâm, lựa chọn những vấn đề đột phá gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề phức tạp, bức xúc tại địa phương, như năm 2018, tỉnh Đồng Tháp chọn đột phá: “Mở lòng kết nối xây nguồn lực - Khơi nguồn khởi nghiệp dựng tương lai” và xây dựng Đảng là “Kỷ cương và trách nhiệm”; tỉnh Bình Phước chọn trọng tâm “công tác xây dựng Đảng”; tỉnh Đồng Nai gắn với cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên; tỉnh Long An xây dựng nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách công tác, lề lối làm việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm; tỉnh An Giang tập trung giải quyết, xử lý có hiệu quả các vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm, giải tỏa đền bù đất đai, khai thác khoáng sản, vệ sinh môi trường, giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương...; Hải Phòng chọn 2 nội dung đột phá là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp tục đổi mới phong cách của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, thấu hiểu tâm tư của nhân dân để tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển hoặc những vấn đề tồn đọng từ nhiều năm; tỉnh Lai Châu đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tỉnh Sơn La siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiêu chuẩn, xây dựng chuỗi giá trị trên một số sản phẩm nông sản có lợi thế; tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ; tỉnh Lào Cai nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong từng lĩnh vực, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy chế quản lý đô thị, Quy tắc ứng xử văn hóa văn minh đô thị trên địa bàn thành phố; tỉnh Hòa Bình tăng cường đối thoại với nhân dân, chú trọng giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, được dư luận quan tâm (đất đai, tôn giáo, sự cố y khoa...); tỉnh Nam Định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, tạo nền tảng tiền đề cho sự phát triển đột phá về kinh tế; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ...; tỉnh Tuyên Quang xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt: “Tư tưởng vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phục vụ nhân dân”, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ...; tỉnh Nghệ An gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, cụ thể, như việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, đầu tư phát triển ngành, nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu việc học tập, làm theo Bác phải gắn với tổ chức thực hiện nội dung các nghị quyết của tỉnh; kết quả học và làm theo Bác phải được thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đưa nội dung học và làm theo Bác tuyên truyền thường xuyên trong các hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt; gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu...; đồng thời lựa chọn những vấn đề còn hạn chế liên quan đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, tác phong, lề lối làm việc, đoàn kết nội bộ, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên... để tập trung giải quyết; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân và quy định rõ lộ trình thực hiện.
|
Quang cảnh hội thảo khoa học "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Ảnh: NAM TRẦN |
Tại các cơ quan, đơn vị, hầu hết cán bộ, đảng viên đều xây dựng kế hoạch, đăng ký làm theo, cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó đề cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu, coi đây là một trong những căn cứ để đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Đa số cán bộ, đảng viên có chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, kỷ luật, kỷ cương; trách nhiệm, tận tụy với công việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Thứ ba, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo các nghị quyết của hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đợt kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm, cấp ủy các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tiến độ và chất lượng; ban thường vụ cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Từ đó, công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình từng bước thực chất hơn; nhiều nơi chú trọng khâu nhận diện và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; trong kiểm điểm đã từng bước khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhiều đảng viên đã thể hiện sự kiên quyết trong bảo vệ cái đúng và đấu tranh với cái sai; đa số tập thể, cá nhân bám sát thực hiện tốt kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Tỉnh Bắc Kạn niêm yết công khai kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm. Tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến phê bình, tự phê bình, kiểm điểm, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và thực hiện Chỉ thị số 05.
Thứ tư, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt và đảng viên; xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Một số địa phương (Lào Cai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La...) đã ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo chủ chốt. Qua đó, hầu hết cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã nêu cao ý thức gương mẫu bằng những hành động thiết thực, cụ thể; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; đẩy mạnh hơn việc xây dựng đoàn kết nội bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn với công việc được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị thiết lập “đường dây nóng” thông qua các số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ để người dân phản ánh thông tin mang tính bức xúc và giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước quan tâm rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 8-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, nhiều nơi, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành tác phong, lề lối làm việc văn minh, lịch sự, thân thiện... được nhân dân đánh giá cao.
Thứ năm, tăng cường giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bồi đắp thế hệ cách mạng kế cận.
Việc đưa nội dung chuyên đề của năm vào sinh hoạt định kỳ tại tổ chức cơ sở đảng được thực hiện đầy đủ, gắn nội dung chuyên đề với các nội dung liên quan trực tiếp tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống của đảng viên trong chi bộ được đưa ra thảo luận, trao đổi để tìm ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém. Đa số cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học của nhiều địa phương lồng ghép, tích hợp giảng dạy về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” trong các môn học: đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử, văn học... Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, văn nghệ, kể chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và nâng cao nhận thức của giáo viên trong học tập và làm theo gương Bác. Các trường chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đưa nội dung học tập chuyên đề hằng năm vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp, nhất là trong lực lượng vũ trang và ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tích cực tổ chức các hoạt động trong đoàn viên, thanh niên gắn với giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng và nhiều phong trào, diễn đàn thiết thực, bổ ích tập hợp, đoàn kết, giáo dục cho đoàn viên, hội viên, như “Tuổi trẻ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ - niềm tin - khát vọng”, “Thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Đáp lời non sông”, “Tổ quốc gọi thanh niên sẵn sàng”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Trái tim hướng về biển, đảo Tổ quốc”...
Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong xã hội.
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đều ban hành kế hoạch, hướng dẫn về công tác tuyên truyền và tuyên truyền trên báo chí việc thực hiện Chỉ thị số 05, nhất là tuyên truyền về các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Căn cứ kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, như tổ chức các cuộc thi; sân khấu hóa các tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về Bác; sinh hoạt chuyên đề về Bác trong các tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền, đăng tải các bài viết, phóng sự về gương “người tốt, việc tốt”; những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các chuyên trang, chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Sau thành công của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2018, có 60 tác giả, tác phẩm của 24 trong số 28 tỉnh, thành phố phía Bắc; 19 tác giả, 4 tập thể, cá nhân của 8 trong số 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và 48 tác giả, tác phẩm ở 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam được trao giải; Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật và Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tiếp tục phát động Giải thưởng giai đoạn 2018 - 2020, nhằm phát hiện được nhiều hơn các tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn trong xã hội.
Thứ bảy, đẩy mạnh, đa dạng hóa việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác biểu dương, khen thưởng được cấp ủy cơ sở quan tâm gắn với các phong trào thi đua hằng năm, các đợt thi đua chuyên đề của địa phương, đơn vị, ngành, với các hình thức phong phú, như tổ chức gặp mặt, giao lưu, hoặc lồng ghép trong hội nghị tổng kết xây dựng Đảng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã kịp thời tôn vinh các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cổ vũ, động viên mọi người tích cực làm theo. Việc xây dựng, nhân rộng và biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình đã tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương và địa phương. Các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... đi đầu trong việc chủ động xây dựng điển hình trong việc học tập và làm theo Bác, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các đơn vị, từ đó nâng cao tính tiền phong gương mẫu, nhất là tinh thần trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Các địa phương đều thể hiện tinh thần trách nhiệm trong khâu xem xét, lựa chọn các tập thể, cá nhân tham gia triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, tham gia giao lưu điển hình tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của khu vực phía Bắc và toàn quốc hằng năm và dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc toàn quốc.
Thứ tám, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những cách làm hình thức, rập khuôn, thiếu thiết thực.
Trong chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy các cấp đều có nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã kiểm tra, giám sát hàng nghìn tập thể và cá nhân (Đảng ủy Công an Trung ương thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 05 tại 22 công an địa phương, đơn vị; Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức hơn 70 cuộc kiểm tra; tỉnh Bắc Giang: 10 đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (năm 2017); tỉnh Hà Nam: 36 cuộc kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2019); tỉnh Lai Châu: 1 cuộc kiểm tra của Ban Thường vụ, 85 cuộc kiểm tra/80 tổ chức đảng và 56 đảng viên, 135 cuộc giám sát/40 tổ chức đảng và 158 đảng viên của ủy ban kiểm tra các cấp (năm 2018); tỉnh Lạng Sơn: các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức 241 cuộc kiểm tra, giám sát; tỉnh Ninh Bình: các huyện ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức 16 cuộc kiểm tra, giám sát; tỉnh Vĩnh Phúc: 7 cuộc giám sát...). Qua kiểm tra, giám sát, đã chú trọng phát hiện nơi thực hiện tốt, việc làm tốt, mô hình hay để kịp thời biểu dương, nhân rộng và chỉ ra những hạn chế, yếu kém để đơn vị, cán bộ, đảng viên khắc phục.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ba năm qua còn có một số hạn chế nhất định. Việc chọn nội dung đột phá, việc giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn lúng túng, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Nội dung đăng ký tu dưỡng làm theo Bác của nhiều cán bộ, đảng viên còn chung chung, chưa gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, kết quả “làm theo” gương Bác chưa thật sự rõ nét, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân của một số địa phương, đơn vị.
Công tác triển khai, quán triệt chuyên đề của từng năm chưa thật sự hấp dẫn và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Công tác phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền gương điển hình “người tốt, việc tốt” chưa được đầu tư nhiều, từ đó, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc trong xã hội về những việc làm tốt, chưa thực sự lan tỏa mạnh mẽ từ điển hình ra diện rộng. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm thiếu kịp thời, do đó, một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không được phát hiện sớm để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, dẫn đến phải kỷ luật đảng, hoặc xử lý theo quy định của pháp luật...
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Một là, bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các văn kiện của Trung ương, đưa việc thực hiện Chỉ thị số 05 trở thành ý thức tự giác, đi vào thực chất, nền nếp, thường xuyên.
Hai là, năm 2019 là năm đánh dấu mốc 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền và việc thực hiện Di chúc của Người. Tiếp tục học tập và quán triệt chuyên đề năm 2019, theo đó, chú trọng tư tưởng trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc tôn trọng nhân dân là biện pháp lâu bền nhất trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Tư tưởng này thể hiện cụ thể bằng hành động, như cần tăng cường đối thoại với nhân dân, mở rộng công khai dân chủ và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Ba là, quyết liệt, tập trung thực hiện khâu đột phá đã xác định trong kế hoạch hằng năm của cấp ủy; kiên trì, quyết tâm giải quyết có kết quả những vấn đề nổi cộm, bức xúc, bảo vệ quyền lợi của nhân dân trên tinh thần tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho nhân dân. Việc xác định nội dung đột phá của các cấp ủy, chính quyền, địa phương tập trung vào một số nội dung chính như sau: đột phá về chất lượng tham mưu của từng cấp, từng ngành; giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất, gắn mật thiết nhất với người dân và trong xã hội; đổi mới công tác cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo của tập thể cũng như cá nhân người đứng đầu; cải cách hành chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; phát triển, chăm lo đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên...
Bốn là, tiếp tục thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012, của Ban Bí thư, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và quan tâm xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đổi mới phong cách làm việc, sâu sát cơ sở, khắc phục tình trạng quan liêu, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp và nhân dân.
Năm là, thực hiện tốt các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững chế độ sinh hoạt đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, đưa nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ.
Sáu là, gắn chặt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của cả nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục theo Kế hoạch số 236-KH/BTGTW, ngày 23-10-2018, của Ban Tuyên giáo Trung ương, về tuyên truyền điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Hướng dẫn số 85-HD/BTGTW, ngày 08-3-2019, của Ban Tuyên giáo Trung ương, về hướng dẫn báo chí tuyên truyền điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 2019, các địa phương hoàn thành việc xét chọn tác phẩm để gửi tham gia giải thưởng Đợt II của Trung ương, trao giải vào tháng 5-2020.
Bảy là, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 05 một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì, sinh động và hiệu quả. Trong điều kiện xã hội thông tin như hiện nay, cần phát huy thế mạnh của các loại hình tuyên truyền, như đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, đẩy mạnh thông tin tích cực trên in-tơ-nét; đấu tranh trực diện với các thông tin xấu, độc.
Tám là, tiếp tục làm tốt công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với nghị quyết các hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII ở các địa phương, đơn vị. Tăng cường phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02-02-2018, của Ban Bí thư./.
Bùi Trường GiangPhó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương