Ngày Nhà giáo Việt Nam kể từ năm 1982 đến nay ở nước ta không chỉ là ngày kỷ niệm mà trở thành ngày hội dành cho những người Thầy vì sự nghiệp trồng người.
Đó là ngày toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với những người làm công tác giáo dục, động viên và củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo.
Vì thế, trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, dù ở hoàn cảnh nào, vai trò và vị trí của người Thầy luôn được khẳng định trong xã hội.
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”’, đã trở thành truyền thống, thấm sâu vào huyết quản của người Việt Nam, làm nên một Việt Nam trường tồn với tinh thần hiếu học hiếm có trên thế giới này. Truyền thống hiếu học ấy từ ngàn đời đã được truyền lại qua câu ca dao: “Qua sông phải bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Các thế hệ người Thầy đi ra từ cái nôi làng quê Việt Nam của văn minh ruộng nương, lúa nước với cánh cò bay lả bay la nên đã hình thành và mang trong mình lòng nhân ái, vị tha, yêu thương học trò như chính con em mình.
Dấn thân trong nghề dạy học được xem như là một công việc rất hệ trọng vì đó là nghề truyền thụ Đạo đức và Tri thức. Tri thức càng uyên thâm, đạo đức càng nghiêm cẩn thì việc dạy học mới hiệu quả, đắc đạo.
Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều tấm gương người Thầy mẫu mực, chân chính, cao thượng, khí phách, không hề bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng. Đó là những tấm gương sáng ngời của các nhà giáo tiền bối như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu.
Chính vì vậy, người Thầy từ xa xưa đến hôm nay vẫn giống nhau ở phẩm chất, tố chất cần có của bậc làm Thầy, tức là không chỉ đòi hỏi về tri thức mà còn đòi hỏi và cần nhất là tư cách và đạo đức. Người xưa nói: đạo đức là linh hồn, là cái gốc tu thân, là báu vật làm chính trị.
Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng vô danh”. Mất hoặc thiếu đi các phẩm chất đó có nghĩa đã không còn là ‘’thầy giáo tốt’’ như điều Bác răn dạy.
Đại thi hào Tagore của Ấn Độ đã nói về giáo dục như sau: “Giáo dục một người đàn ông ta được một người. Giáo dục được một người phụ nữ ta được một gia đình. Giáo dục một con người ta được bao nhiêu thế hệ con người có giáo dục. Giáo dục một em trai tốt sẽ được một công dân tốt. Giáo dục một em gái tốt sẽ được một gia đình hạnh phúc. Được một người thầy tốt sẽ được cả một thế hệ tốt”.
Với đại thi hào Tagore người Thầy tốt có ý nghĩa cũng hết sức to lớn.
Trong dòng chảy của thời đại 4.0, số hóa, và trí tuệ nhân tạo, với sự đi lên ngày càng rộng mở của khoa học công nghệ, sự tác động của dịch bệnh như Covid-19 hiện nay đã và đang làm chuyển dịch, thay đổi hệ sinh thái về đào tạo ở tất cả các bậc học từ mẫu giáo đến đại học, sau đại học cũng như ngay trong môi trường giáo dục của gia đình thì vai trò của người Thầy vẫn được khẳng định và không thể thay thế.
Từ vai trò trực tiếp, người thầy giáo theo giáo dục truyền thống, sang người thầy giáo của kỷ nguyên khoa học công nghệ 4.0 mà ở đó người Thầy đòi hỏi phải am hiểu và áp dụng khoa học công nghệ vào đào tạo lấy người học làm trung tâm, gắn kết giảng dạy với nghiên cứu khoa học và ngược lại.
Đảng ta luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, coi đây là “quốc sách hàng đầu”, là chìa khoá để hội nhập và phát triển. Giáo dục, đào tạo và người hoạt động trong lĩnh vực này được xã hội tôn vinh, coi trọng với quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.
Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa để mở ra con đường đi đến thành công và thịnh vượng của đất nước ta vì mục tiêu của giáo dục, điểm đến cuối là góp phần đào tạo ra người công dân thời đại mới có ích, nắm vững tri thức, kỹ năng khoa học kỹ thuật công nghệ để xây dựng đất nước, quê hương mình; đào tạo nên các hiền tài mà "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp" (câu nói của Thân Nhân Trung, trong văn bia khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3, 1442).
Với tầm nhìn thời đại, mang tính kế thừa, cách đây 76 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến việc kêu gọi tập hợp đội ngũ trí thức xung quanh chính quyền cách mạng của nhân dân.
Ngày 14/11/1945, Người viết bài “Nhân tài và kiến quốc” đăng báo Cứu Quốc số 91, nhấn mạnh: “Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều” (Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.114).
Dẫu đi qua thời gian, câu nói ‘’Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người’’ của Bác Hồ kính yêu mãi mãi là điều những người Thầy và ngành giáo dục luôn luôn ghi nhớ trong lòng như là kim chỉ nam của một nghề cao quý.