Tại Hội nghị khoa học Đào tạo nguồn
nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 do Trường Đại
học Công nghiệp Hà Nội tổ chức vào tháng 2/2018, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên
Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Nay
là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin
và Truyền thông) đã có bài phát biểu ấn tượng trong khoảng 20 phút về cách mạng
công nghiệp 4.0. Xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu này của ông Nguyễn
Mạnh Hùng để hiểu thêm một góc nhìn khác về cách mạng công nghiệp 4.0.
-----
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì?
- Là cái mới thay cái cũ.
- Là Công ty mới thay thế các Công
ty cũ. Đại học mới thay thế đại học cũ.
- Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo cơ hội
chỉ cho một vài nước bứt phá lên thành nước công nghiệp phát triển. Tạo cơ hội
cho một số đại học bứt phá lên thành đại học hàng đầu. Số ít đó là các nước,
các đại học dám đi đầu.
Cách mạng 4.0 đột phá về việc học:
Chung qui chỉ có một chữ là LÀM NGƯỢC. Cách mạng 4.0 mở ra một cơ hội về sự làm
ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những
người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi
trước, đi theo cách này thì mãi mãi là người đi sau.
Đi sau, nhưng làm khác người đi
trước, các công cụ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, bằng cách này
chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các nước đi trước chúng ta. 4.0 đi liền
với từ Distructive, tức là phá huỷ, đột phá. Gọi là sự sáng tạo mang tính phá
huỷ.
Người có quá nhiều quá khứ hoành
tráng, có quá nhiều hạ tầng 1.0, 2.0, 3.0 sẽ không có đủ can đảm phá huỷ, chỉ
có những ai đang không có gì hay có rất ít thứ trong tay. Chúng ta đang có mọi
thứ để thắng vì chúng ta không có gì trong tay, không có gì để mất.
Năm 2003 khi Viettel còn bé nhỏ, chỉ
có 2,3 tỷ đồng tiền vốn, trong khi doanh nghiệp viễn thông khác có cơ sở hạ
tầng hàng chục năm, vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Tôi sang Malaysia mang câu
chuyện này hỏi vị giáo sư rằng cái khó nhất của Viettel là tiền không, không có
gì trong tay... nhưng vị giáo sư nói những người có quá nhiều thứ họ sợ mất mát
nhiều hơn còn chúng tôi đang có trong tay tất cả để thắng.
Tôi nhớ mãi câu nói đó, đó chính là
thứ khai sáng cho Viettel. Cho đến nay, tập đoàn vẫn tiếp tục áp dụng câu nói
đấy. Và khi thành công, chúng tôi lại tự biến mình về con số 0 vì chỉ số 0 mới
có sức sáng tạo.
- Trước đây: Học trước rồi làm sau.
Bây giờ: Làm trước học sau; trải nghiệm trước học sau thì vào hơn. Đại học cần
cho các em làm nhiều hơn, làm trước khi học.
- Trước đây: Không biết thì hỏi
thầy, không biết thì đi học. Bây giờ: Biết thì hãy hỏi; tự học trước, biết 78-80-90%
rồi thì mới hỏi thầy. Học rồi mới đi học.
- Trước đây: Học sách giáo khoa, cái
đã có trước đây hàng chục, hàng trăm năm. Bây giờ: Học cái chưa có trong sách
giáo khoa, thí dụ công nghiệp 4.0: Trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, Cloud,
Hệ thống thực - ảo.
- Trước đây: Thầy dạy 100%. Bây giờ:
Những người không phải thầy chuyên nghiệp, thí dụ như doanh nhân, chuyên gia sẽ
dạy 30%.
- Trước đây: Giáo viên là thầy. Bây
giờ: Thầy là huấn luyện viên. Huấn luyện viên thì trò làm là chính. Mô hình
huấn luyện viên thì trò bao giờ cũng giỏi hơn thầy. Mô hình thầy thì trò bao
giờ cũng kém hon thầy.
- Trước đây: Làm nghiên cứu trên thế
giới thực, trong phòng thí nghiệm, tốn kém, mất nhiều thời gian. Bây giờ: Làm
nghiên cứu trên thế giới ảo, trong môi trường mô phỏng, như là trò chơi, không
tốn kém, lại nhanh.
- Trước đây: Học sâu các chuyên
ngành. Bây giờ: Cần học đa ngành. Cơ hội nằm ở liên kết các ngành, các tri thức
khác nhau.
- Trước đây: Học trong trường. Bây
giờ: càng mở càng tốt; liên kết các trường; liên kết doanh nghiệp, trên toàn
thế giới.
- Trước đây: Chỉ cần biết ngôn ngữ
người với người. Bây giờ: cần biết ngôn ngữ người và máy, ra lệnh cho máy, vì
máy làm là chính, nên cần biết lập trình, biết coding.
- Trước đây: Học cách giải quyết vấn
đề là chính. Bây giờ: Cần học cách tìm ra vấn đề là quan trọng nhất. Có việc
rồi thì mới có các cái khác. Học cách tìm ra việc.
- Trước đây: Học để làm cái đã học,
cái mọi người đã làm. Bây giờ: Học để làm cái chưa ai làm; tức là sáng tạo.
- Trước đây: Học sự tiệm cận, học sự
tiến hoá, tốt lên từng ngày. Bây giờ: Học để đột phá, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo
ra những đột phá, cái mới thay thế cái cũ. Để phá huỷ thay vì tiến hoá.
- Trước đây: Thực là quan trong, dạy
cái thực là chính. Bây giờ: Mọi cái thực đã được ảo hoá, vậy ảo là quan trọng;
dậy cái ảo là chính, dạy sống và làm việc trong môi trường ảo. Dạy sáng tạo
trên môi trường ảo.
- Trước đây: Nghe theo là quan
trọng, học thuộc là quan trọng. Bây giờ: Tư duy phản biện là quan trọng,
critical thinking.
- Trước đây học What, học How là
quan trọng. Bây giờ học Why là quan trọng. Biết tại sao thì mới dám thay đổi.
- Trước đây: Tài sản quan trọng của
đại học là sách, là thư viện, là giảng đường. Bây giờ: Sách ở trên mạng, thì
tài sản quan trọng của Đại học là phòng Labs, là công cụ mô phỏng, là máy móc,
là hạ tầng công nghệ thông tin, như là hạ tầng của doanh nghiệp vậy, như hạ
tầng của nhà máy với nhiều công xưởng để làm.
- Trước đây: Thước đo đại học không
rõ ràng. Bây giờ thước đo của đại học là mức lương trung bình của sinh viên tốt
nghiệp. Đi học đại học là một khoản đầu tư của người học, họ hoàn vốn bằng
lương nhận được khi đi làm, nếu lương nhận được cao họ sẽ sẵn sàng chi trả cao
để học trường đó.
- Trước đây: Cạnh tranh là làm giống
người khác và làm tốt hơn. Bây giờ: Cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người
khác.
- Trước đây: Chúng ta phấn đấu trở
thành đại học MIT, trường công nghiệp hàng đầu của Mỹ, thì bây giờ chúng ta
phấn đấu để không trở thành MIT, làm khác, dạy khác, học khác MIT, và vì vậy mà
chúng ta hơn MIT. Còn những doanh nghiệp nào cần sinh viên MIT thì qua Mỹ tuyển
họ về Việt Nam làm việc. Đại học MIT không phải đại học Mỹ mà là đại học Việt
Nam. Còn trường đại học của chúng ta cung cấp sinh viên khác sinh viên MIT và
đáp ứng một phân đoạn thị trường nào đó của Vietnam.
- Trước đây: Chúng ta thiếu giáo
viên giỏi, vì giáo viên giỏi phải là giỏi, là người giỏi. Là người dạy giỏi.
Nếu cứ theo cách này thì không chỉ ta mà cả Tây cũng rất thiếu giáo viên giỏi.
Nếu nay ta định nghĩa giáo viên là người giao việc cho sinh viên làm, và đo
lường kết quả, rồi nhận xét thì nghề giáo viên đã dễ tìm người hơn rất nhiều
rồi.
- Trước đây: Chúng ta tìm giáo viên
trong số những người giáo viên, thì cơ hội tìm được người không lớn. Bây giờ
chúng ta tìm giáo viên trong số tất cả mọi người có chuyên môn mà đại học cần
và có đam mê dạy học thì cơ hội đã lớn hơn gấp nhiều lần. Trước đây chúng ta
tìm người trong số 90 triệu người Việt Nam, bây giờ chúng ta tìm người chúng ta
cần trong số 7 tỷ người trên thế giới thì dễ hơn rất nhiều.
- Trước đây: Lương giáo viên được
định nghĩa hành chính, thì chúng ta cơ bản có người chất lượng tương ứng với
đồng lương đó. Bây giờ tự chủ đại học, chúng ta trả lương theo thị trường, thị
trường Việt Nam và thị trường quốc tế, vậy thì ta có thể lấy bất cứ ai ta muốn.
- Trước đây: Người giỏi nhất là
người giỏi nhất. Bây giờ: Người dốt nhất có thể là người giỏi nhất. Người giỏi
nhất thì ít đi nhiều để học hỏi, vì vậy giỏi ở một góc. Người dốt thì phải đi
khắp nơi trên thế giới để tìm ra ai giỏi nhất cái gì, tích hợp những cái nhất
đó lại và thành người giỏi nhất.
- Trước đây: Người thay đổi thế giới
là người nói, là người đi khai sáng người khác. Bây giờ: Người khai sáng người
khác, người thay đổi thế giới lại có thể là người hỏi một câu hỏi.
- Trước đây: Toán không quan trọng,
có vẻ như ít tạo ra giá trị. Bây giờ: Toán là quan trọng nhất. Bây giờ mọi thứ
máy làm được. Nhưng thuật toán thì không, thuật toán là cách chúng ta bảo máy
làm. Xử lý dữ liệu là quan trọng nhất. Mà chỉ có toán, thuật toán mới xử lý dữ
liệu để mang lại giá trị. Thuật toán hiệu quả hơn sẽ mang lại nhiều giá trị
hơn.
- Trước đây: đi theo sau thì vẫn đi
lên được. Bây giờ: The winner takes all. Người thắng cuộc, người đi đầu sẽ
hưởng tất, người đi sau chẳng được bao nhiêu. Bởi vậy, đi sau thì phải đi
trước. Đi sau thì phải vượt trội. Không đi theo nữa. Nếu chúng ta muốn tận dụng
cơ hội 4.0 thì Việt Nam, thì trường đại học phải là người đi đầu, đi trước cả
Đức là nước đầu tiên ý thức về cách mạng 4.0.
- Trước đây: Chúng ta dạy sinh viên
để khi ra trường sẽ trở thành một mắt xích trong một tổ chức, một công ty. Bây
giờ: chúng ta dạy sinh viên để khi ra trường trở thành giám đốc của công ty 1
người, biết huy động các nguồn lực khác nhau để thực hiện công việc của mình.
Viettel thường giao việc cho một người chủ trì một đề tài, người này có thể
thuê cộng tác viên, có thể tuyển dụng nhân lực để thực hiện. Người sinh viên
phải biết tổ chức công việc như một giám đốc.
Điều duy nhất không thay đổi trong
cuộc sống chính là sự thay đổi. Con người phải luôn cố gắng, đó là sự sống. Để
tồn tại và phát triển luôn đặt ra những mục tiêu cao hơn, nhận nhiệm vụ khó
hơn, vượt qua giới hạn của chính mình. Chỉ có những cái không thể mới tạo ra
những con người ưu việt và không ngừng thôi thúc chúng ta đi lên.
Các trường đại học hãy
nhận về mình những thứ khó nhất, thu hút những người giỏi nhất, đáp ứng công
nghệ mới nhất để trở thành đại học khác biệt.