Những năm qua, các phong trào, hoạt động Đoàn thanh niên với hàng loạt công trình, phần việc của đoàn viên, thanh niên tỉnh Nghệ An như “Tình nguyện hè”, “Tiếp sức mùa thi”, “Con đường hoa”, “Sân chơi từ phế liệu cho thiếu nhi”… đã để lại dấu ấn rõ nét, khẳng định vai trò vị thế của Đoàn thanh niên trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh kịp thời.

Đến bản Mọi, xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) hỏi về “con đường thanh niên”, ai cũng phấn khởi khoe: “Nhờ Đoàn thanh niên, bà con nơi đây đã có con đường mới. Dân bản phấn khởi lắm, giao thông đi lại dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trao đổi hàng hóa, làm ăn kinh tế”.

Thanh niên tình nguyện mở đường lên bản Mọi , xã Lục Dạ (Con Cuông).

Bản Mọi vốn bị cô lập, nằm cách xa trung tâm xã gần 20 km, giao thông đi lại khó khăn khiến đời sống người dân gặp nhiều hạn chế. Trước yêu cầu cấp bách đó, địa phương đã triển khai vận động thu hút hơn 500 đoàn viên, thanh niên của địa phương và đội hình sinh viên tình nguyện, cùng với người dân ở 2 xã Môn Sơn, Lục Dạ xẻ núi, đào đắp. Chỉ sau 1 tháng, con đường từ bản Mọi đi khe Thìn đã được hình thành bằng sự quyết tâm của những người trẻ, rút ngắn khoảng cách từ xã vào bản 15 km.

“Con đường thanh niên” ở bản Mọi là một ví dụ; thực tế, hàng ngàn phần việc của thanh niên đã minh chứng cho tinh thần xung kích, không ngại khó, ngại khổ, in dấu tại những vùng đất khó, những bản làng xa xôi nhất, làm thay đổi bộ mặt của những vùng quê nghèo, khẳng định tinh thần của tuổi trẻ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, bằng cách làm hay như: Xây dựng mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường bích họa”, “Vườn hoa thanh niên”, “Tuyến đường thanh niên sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh”; chiến dịch “Nói không với chất thải nhựa”. Hay như việc thành lập các đội hình tình nguyện tham gia giải quyết thủ tục hành chính cho người dân vào các ngày thứ Bảy tình nguyện…

Đoàn viên thanh niên giúp người dân vùng cao học chữ; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân; Ra quân hưởng ứng chiến dịch “Chung tay nói không với chất thải nhựa và nilon”; Dọn vệ sinh môi trường.

Tinh thần, sức trẻ ấy đang lan tỏa từ miền xuôi lên miền ngược, trong mọi lĩnh vực từ xung kích tình nguyện bảo vệ Tổ quốc đến khởi nghiệp. Tuy nhiên, một thực tế rằng, các hoạt động của Đoàn ở một số nơi còn yếu kém, hình thức, thiếu sự đầu tư nghiêm túc.

Báo cáo số 280-BC/TĐTN-PT ngày 3/4/2019 của Ban Chấp hành Đoàn tỉnh Nghệ An về tổng kết hoạt động Tháng Thanh niên năm 2019 chỉ rõ: Một số đơn vị thiếu chủ động, sáng tạo, dẫn đến hiệu quả triển khai chưa cao, chưa tạo được dấu ấn phong phú; chưa chú trọng công tác tuyên truyền, nên không thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Nhiều tổ chức cơ sở Đoàn ít có những hoạt động thực chất, thậm chí có nơi “trắng” về sinh hoạt Đoàn. Một số nơi duy trì được thì không thường xuyên, nội dung khô khan, các chủ đề sinh hoạt chỉ diễn ra vào các ngày lễ lớn.

Không hiếm bắt gặp cảnh tượng đoàn viên làm việc riêng trong các buổi tập huấn Đoàn, Hội.

Xã Diễn Bích là một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội của huyện Diễn Châu. Ban Dân vận Huyện ủy cũng như Đảng ủy xã Diễn Bích đã trực tiếp chỉ đạo Đoàn xã thành lập và triển khai mô hình “Phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn xã hội” vào năm 2015. Tuy nhiên, sau 4 năm đi vào hoạt động, mô hình chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, năm 2015 số người nghiện ma túy và vi phạm pháp luật tại địa phương là 52 người thì đến năm 2018 con số này tăng lên 82 người. Trong đó, hơn 80% số người nghiện ma túy và vi phạm pháp luật của địa phương nằm trong độ tuổi Đoàn (từ 20 đến 35 tuổi). Lý giải về sự thất bại của mô hình, Bí thư Đoàn xã Diễn Bích – anh Thạch Định Bảy cho biết: “Phương thức thực hiện chủ yếu của mô hình là tuyên truyền, vận động bằng lời mà thiếu đi các giải pháp đồng bộ khác, như đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn nên hiệu quả mang lại chưa cao. Vai trò của các chi đoàn trong triển khai mô hình “Phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn xã hội” dường như không phát huy được triệt để dẫn đến sự lụi tàn của mô hình”.

“Sáng tạo trẻ” được xem là một phong trào “xương sống” của hoạt động Đoàn thanh niên. Thế nhưng theo báo cáo của Tỉnh đoàn, chỉ tiêu “vận động đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đề xuất ý tưởng, sáng kiến” luôn không đạt. Cụ thể, trong năm 2018, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đề ra chỉ tiêu 25.000 ý tưởng, sáng kiến, nhưng chỉ vận động ĐVTN đề xuất được 500 ý tưởng, sáng kiến; hay như trong Tháng Thanh niên năm 2019 vừa qua, trong khi đề xuất 5.000 ý tưởng, sáng kiến có tính ứng dụng thì chỉ thu nhận được 2.346 ý tưởng.

Đoàn viên thanh niên trao đổi trong buổi sinh hoạt đoàn.

Vấn đề này, theo anh Phạm Văn Toàn – Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn phân tích: “Các chỉ tiêu đề ra quá cao so với thực tế, không phù hợp, chưa được ĐVTN nhiệt tình hưởng ứng, thậm chí tham gia với hình thức đối phó. Ý tưởng thì nhiều song chỉ đang dừng lại cho các hoạt động, phong trào Đoàn, chưa có sáng kiến cho các lĩnh vực trong cuộc sống”. Điều quan trọng nhất, ý tưởng, sáng kiến phải phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải nằm trên giấy hay “giấc mơ”. Do đó, chỉ tiêu đưa ra đối với các hoạt động cần có tính hợp lý, phù hợp với thực tiễn, không chạy đua.

Hoạt động phong phú, song chưa phát huy được tính bền vững, phải chăng cũng giống như tính cách của “người thanh niên sôi nổi”, lúc ham thì làm, sau đó lại thôi. Yếu tố con người, cụ thể là lực lượng cán bộ Đoàn được xem là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng phong trào Đoàn đang dần bị “thả trôi”. Lý giải nguyên nhân này, anh Phạm Văn Toàn – Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn chia sẻ thêm: “Các chương trình hoạt động Đoàn ngày càng nhiều, tuy nhiên lực lượng cán bộ Đoàn lại rất mỏng, không gánh vác, bao quát được hết. Các phong trào gần như chỉ dừng lại ở cấp trên do có nguồn lực, có phương tiện thực hiện, còn khi xuống cơ sở, gần như bị ách lại”.

Bên cạnh đó, lực lượng ĐVTN tại các cơ sở Đoàn ngày càng thưa thớt do số lượng đi làm ăn xa ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn. Để níu chân ĐVTN ở lại địa phương lập nghiệp, không “ly hương”, các tổ chức Đoàn buộc phải sáng tạo, đưa ra nhiều dự án, kế hoạch nhằm hướng nghiệp và đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp.

Hỗ trợ đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp bộ Đoàn, và thời gian qua đã có nhiều chương trình hành động đi vào thực chất; nhưng thực tiễn đã cho thấy những bất cập đòi hỏi có sự đổi mới cả về tư duy và cách thức triển khai khi xây dựng các chương trình, dự án.

Không chỉ được hỗ trợ về mặt chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT), nhiều mô hình lập thân, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được “nâng bước” từ nguồn vốn của Tỉnh đoàn. Tiếp cận những mô hình này, thấy rõ được những tích cực từ sự “tiếp sức” của tổ chức Đoàn cũng như tác động từ hiệu quả của mô hình đối với cộng đồng…

Con đường dẫn về xóm Nam Long, xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) nay đã bớt phần cách trở, gập ghềnh, dù rằng mảnh đất ấy vẫn còn nhiều vất vả. Ấy nhưng, tại đây nhờ những điển hình thanh niên tiên phong lập thân, lập nghiệp biến đất nghèo thành lợi thế, xây dựng nên mô hình kinh tế, đã dần mang lại những tín hiệu đáng mừng… Một trong những điển hình đó là anh Nguyễn Tuấn Anh (SN 1987) đã biến ý tưởng xây dựng mô hình Dự án “Ứng dụng trồng hoa hồng cổ trong nhà lưới và chiết xuất tinh dầu dược liệu” thành hiện thực.

Nhờ sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ Tỉnh đoàn, Nguyễn Tuấn Anh (Nghĩa Đàn) đã xây dựng mô hình nông nghiệp xanh

Dự án này ngay sau khi đạt giải Nhì trong Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Nghệ An năm 2018, Nguyễn Tuấn Anh đã được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật trong công nghệ tưới, phân bón và giống cây. Từ đây, mô hình đã từng bước đi vào ổn định, sản phẩm hoa tươi và tinh dầu chiết xuất từ giống hoa hồng cổ đã được thị trường đón nhận và mang lại thu nhập ổn định. Thành công của mô hình đã mở hướng cho nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập và ứng dụng vào thực tiễn…

Trong 2 năm (2017 và 2018), nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp tỉnh Nghệ An đã giải ngân được 61 dự án với tổng số tiền trên 3,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 134 lao động địa phương. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn với số vốn hơn 8,2 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 112 dự án, giải quyết cho 308 lao động thường xuyên.

Nằm ngay cổng chợ Phong Toàn (TP.Vinh), gian hàng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch và Dịch vụ thanh niên Nghệ An từng được đặt kỳ vọng là nơi cung cấp các thực phẩm sạch có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho người dân trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, kể từ ngày tổ chức khai trương rầm rộ, gian hàng chỉ bày bán duy nhất mặt hàng thịt gà.

Gian hàng Hợp tác xã nông nghiệp sạch và dịch vụ thanh niên đầy ắp thực phẩm trong ngày khai trương 25/9/2017 (ảnh trái) nay đã không còn bày bán sản phẩm nông nghiệp như mục tiêu ban đầu, hiện tại chỉ bán mỗi thịt gà.

Lý giải về sự trì trệ trong hoạt động của gian hàng, anh Trần Hữu Đức – Giám đốc HTX nêu những khó khăn khi đi vào vận hành. Cụ thể, theo chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thì các HTX do thanh niên lập nên sẽ được hỗ trợ chính sách giao đất, cho thuê đất để xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế,… Nhưng sau hơn 2 năm, quá trình giải quyết các thủ tục hành chính để được thụ hưởng chính sách vẫn chưa được các ban, ngành liên quan giải quyết. Do đó, các thành viên trong HTX phải tự đầu tư hơn 150 triệu đồng để cải tạo gian hàng thuê ở chợ Phong Toàn, đóng hơn 4 triệu đồng/tháng tiền thuê mặt bằng. Việc thiếu mặt bằng để xây dựng nhà kho, bảo quản hàng hóa đã dẫn đến nguồn thực phẩm của cửa hàng bị hư hỏng, gây thiệt hại lớn về tài chính, tác động đến quá trình thu hồi vốn.

Bên cạnh HTX thanh niên, nhiều Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) cũng đang loay hoay hoạt động, nhất là về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Tại Tổng đội TNXP 5, hiện đứng chân trên địa bàn 2 xã trung du là Thanh Thủy và Thanh Hà  của huyện Thanh Chương, anh Hoàng Văn Đông – Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 cho biết về những khó khăn: Năm 2017, Tổng đội phát triển đàn lợn hơn 400 con với hy vọng cung ứng ra thị trường nguồn thịt sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thời điểm xuất bán thì giá thịt lợn trên thị trường giảm sâu, người nuôi không có lãi nên các thành viên Tổng đội không còn mặn mà với việc nuôi lợn, tổng đàn giảm chỉ còn 70 con. Cùng tình trạng ấy, theo anh Vương Trung Úy – Tổng đội Phó Tổng đội TNXP 9 ở huyện Tương Dương cho hay, đầu ra cho hơn 3 ha nghệ đang gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường và ổn định giá bán.

Trồng nghệ và sản xuất nghệ bột ở Tổng đội thanh niên xung phong 9, xã Tam Hợp (Tương Dương).

Dù phong trào khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng nhiều dự án, trong quá trình hướng nghiệp và đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Anh Phạm Văn Toàn – Trưởng ban Phong trào, Tỉnh đoàn Nghệ An lý giải: Nguồn vốn hỗ trợ cho các mô hình kinh tế còn hạn hẹp là một trong những rào cản chính. Hiện tại mới chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng các mô hình trên địa bàn tỉnh. Hầu hết ĐVTN phải tự thân huy động nguồn vốn, nên các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, chưa tạo được sự lan toả mạnh mẽ.

Xuất phát từ thực tiễn đó, để hỗ trợ ĐVTN, nhất là thanh niên nông thôn trong quá trình khởi nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập “Đội tri thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Nghệ An” với 15 thành viên đến từ các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Đội đã đi đến tận cơ sở, tổ chức hàng chục buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều ĐVTN nắm bắt kỹ thuật mới để tự tin phát triển kinh tế, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Các mô hình sản xuất của đoàn viên thanh niên được chuyển giao khoa học công nghệ.

Đối với các địa phương đã hình thành vùng đặc sản nông nghiệp thì các đoàn viên cũng được tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật để xây dựng các gia trại, trang trại theo hướng tập trung. Ví như ở huyện Quỳ Hợp, trong tổng số 150 mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN địa phương thì có hơn 60% là các mô hình trồng cam và các loài cây ăn quả có múi; ở Thanh Chương trong số hơn 200 mô hình kinh tế của ĐVTN có hơn 90 mô hình gắn với phát triển cây chè…

Ngoài ra, tại cấp cơ sở, tổ chức Đoàn các cấp tích cực chủ động tổ chức nhiều chương trình hoạt động như phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”; tăng cường kết nối với các tổ chức, đoàn thể khác như Hiệp hội doanh nghiệp trẻ của Nghệ An, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để hỗ trợ các ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như tư vấn, hỗ trợ thanh niên việc làm, kỹ năng quản lý kinh tế, kiến thức khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp.

Với những nỗ lực đó, các cấp bộ Đoàn hy vọng sẽ đồng hành cùng ĐVTN từng bước tháo gỡ khó khăn để lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế – xã hội.

Xây dựng lực lượng thanh niên mạnh về trí tuệ, sáng tạo, giàu nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm là nhiệm vụ cấp bách của các cấp bộ Đoàn; từ đó tạo sự thay đổi mạnh mẽ tổ chức Đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu của đoàn viên thanh niên trong bối cảnh mới, để thanh niên thực sự là “rường cột” của nước nhà trong hội nhập.

Có ý kiến cho rằng: “Nhìn lên còn thấy tổ chức Đoàn, nhưng nhìn xuống không thấy thanh niên đâu”. Nhận định này khi đối chiếu với thực trạng ở một số vùng miền núi, nông thôn quả không sai, khi tổ chức Đoàn cơ sở thiếu cả con người, cơ sở vật chất, cũng như kinh phí hoạt động. Hiện nay, ít có người trẻ bám trụ với quê hương rất ít, những thanh niên khác khi đã dựng vợ, gả chồng coi như đã “trưởng thành Đoàn”. Thực tế cho thấy, số thanh niên trong độ tuổi Đoàn đi làm ăn xa có nơi chiếm đến trên 70%, dẫn đến tình trạng trên thì có trong danh sách đoàn viên nhưng người thì ở các địa phương khác. Bởi vậy tỷ lệ tập hợp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đạt thấp, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

“Khó lắm!” – là điều anh Ngân Văn Nội – Bí thư Đoàn xã Tam Đình (huyện Tương Dương) thốt lên với chúng tôi khi đề cập đến vấn đề tập hợp đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt và các phong trào Đoàn. Đoàn xã Tam Đình hiện có 7 chi đoàn nông thôn và khoảng 200 ĐVTN nhưng chỉ có khoảng 20% có mặt tại địa phương. Để tập hợp được ĐVTN rất khó khăn, thậm chí một số chi đoàn chỉ có 2 – 3 người tham gia sinh hoạt. “Có khi chỉ mỗi bí thư chi đoàn ở nhà nữa thôi!…” – anh Nội trần tình. Không có lực lượng nên nhiều chi đoàn ở nông thôn chỉ tập trung hoạt động vào dịp hè hoặc Tết khi học sinh được nghỉ. Hoạt động của chi đoàn cũng chủ yếu xoay quanh các phần việc bề nổi như: vệ sinh môi trường, xây dựng công trình nhỏ, giao lưu văn hóa, văn nghệ…

Đoàn viên thanh niên huyện Tương Dương tham gia tình nguyện.

Đội ngũ bí thư, phó bí thư chi đoàn cơ sở không ổn định cũng là nguyên nhân khiến một số cơ sở Đoàn chỉ hoạt động cầm chừng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa… Anh Nguyễn Duy Sơn – Bí thư Đoàn xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) trăn trở: “Vất vả quá nên một số bí thư chi đoàn xin nghỉ. Với tần suất tham gia hoạt động thường xuyên, liên tục không có thời gian nghỉ mà mức phụ cấp mỗi tháng chỉ được khoảng 330 nghìn đồng; điều kiện kinh tế ở miền núi cực kỳ khó khăn khiến cho các bạn không đủ trang trải cuộc sống… nên những đam mê, nhiệt huyết ban đầu cứ “tắt” dần”.

Xã Xá Lượng hiện có 8 chi đoàn thôn, bản và khoảng 50 thanh niên có mặt tại địa phương, trong đó có khoảng 4 – 5 chi đoàn kiện toàn thường xuyên, có 1 chi đoàn (Khe Ngậu) khuyết bí thư. Cũng bởi thiếu nguồn thủ lĩnh nên Đoàn xã đã phải vận động công chức xã, học sinh THPT, thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương và thanh niên đi làm ăn gần để bổ sung cho nguồn bí thư chi đoàn. Hiện tại, các chi đoàn Hợp Thành, Cửa Rào 1, Cửa Rào 2 do các đồng chí công an viên, công an thường trực của xã kiêm nhiệm; chi đoàn Xiêng Hương có đồng Vi Văn Dũng – Phó Bí thư Đoàn xã kiêm Bí thư chi đoàn.

Nói về khó khăn trong việc tìm nguồn đào tạo, bồi dưỡng để đảm nhận vai trò bí thư chi đoàn thôn xóm cũng như khan hiếm về nguồn thanh niên tại cơ sở, anh Lô Văn Giáp – Phó Bí thư Huyện đoàn Tương Dương chia sẻ: “Có nhiều nơi có những thời điểm phải chấp nhận “trắng” về bí thư chi đoàn hoặc có nguy cơ xóa trắng chi đoàn vì quá ít thanh niên tham gia. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế của thanh niên không ổn định, lực lượng đi làm ăn xa nhiều, số đi học cao đẳng đại học; lực lượng còn lại thì lo phát triển kinh tế, không mặn mà với các hoạt động đoàn thể”. Cùng đó là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến phong trào Đoàn, đến việc bồi dưỡng, tạo nguồn cho đội ngũ cán bộ đoàn thôn, xóm. Việc thường xuyên biến động về cán bộ cấp chi đoàn đã tác động không nhỏ đến chất lượng hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi khu vực nông thôn. Nhìn chung, việc đào tạo nguồn phát triển Đảng chủ yếu dựa vào thanh niên nông thôn cũng rất nhiều hạn chế.

Đoàn viên thanh niên Hưng Nguyên cùng người dân tham gia ươm cây xanh.

Thực trạng ở Tương Dương cũng là tình hình chung của toàn tỉnh. Anh Hồ Cảnh Thuận – Bí thư Thị đoàn Hoàng Mai cho hay: “Thị xã Hoàng Mai có 132 chi đoàn thôn, khối nhưng có đến 30% chi đoàn thường xuyên phải kiện toàn lại do “thủ lĩnh” chi đoàn thôn, khối đi làm ăn xa, chủ yếu phải lấy nguồn từ học sinh và thanh niên có mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở, Thị đoàn Hoàng Mai thường tổ chức tập huấn kỹ năng cho bí thư, phó bí thư chi đoàn vào dịp giữa năm để đảm bảo sự ổn định và chất lượng của cán bộ Đoàn.

Nghệ An hiện có gần 1 triệu đoàn viên, thanh niên, chiếm khoảng 31% dân số và 47% lực lượng lao động của tỉnh. Đây chính là lực lượng lao động gánh vác trách nhiệm nặng nề, những nơi khó khăn, gian khổ nhất. Do đó, xây dựng tổ chức Đoàn lớn mạnh, lực lượng đoàn viên thanh niên đông đảo, cần phải có sự đổi mới, trong đó có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thực tế cho thấy, tổ chức Đoàn ở địa phương nào nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thì nơi đó hoạt động và phong trào Đoàn mạnh, để lại dấu ấn đối với cộng đồng xã hội.

Từng là thủ lĩnh Đoàn cấp tỉnh, trưởng thành từ công tác Đoàn, anh Nguyễn Đình Hùng khi được bổ nhiệm Bí thư Huyện ủy Con Cuông không ít ý kiến nghi ngại, người dân chưa tin vào năng lực của người trẻ. Cho đến bây giờ, sau nhiều năm công tác, bằng nhiều chương trình, hành động, dường như anh đã và đang đưa sức sống của Đoàn vào trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, tạo nên “làn gió mới”, đặc biệt dành sự quan tâm đến đối tượng thanh niên.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng (thứ tư phải sang) ghi nhận những nỗ lực của lực lượng thanh niên địa phương.

Diễn đàn “Nói thanh niên nghe, nghe thanh niên nói” mà Huyện ủy Con Cuông tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của các lãnh đạo huyện, các cấp các ngành, cũng như sự đồng tình, ủng hộ của thanh niên, góp phần giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng. “Tại diễn đàn, ngoài việc tự chuẩn bị tốt thông tin, đòi hỏi mỗi thanh niên phải thể hiện “ngọn lửa” tâm huyết về vấn đề muốn trình bày, hiến kế. Bằng cách đó, chúng tôi kích thích thêm để thanh niên mạnh dạn nêu ý tưởng”, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng chia sẻ. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động công tác Đoàn tại Con Cuông được duy trì thường xuyên, có chiều sâu.

Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thơm cũng cho hay: “Trong cuộc hành trình nào, thanh niên dù ở đâu, lĩnh vực nào, ngoài hoài bão, trí thức, nỗ lực bản thân cũng rất cần sự đồng hành của thế hệ đi trước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền nêu cao trách nhiệm đối với công tác chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ; thực tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, luôn bên cạnh, động viên, định hướng trọng tâm, ủng hộ và đồng hành cùng thanh niên; đồng thời tạo môi trường thực tiễn, hay những cú hích động lực để thanh niên có cơ hội được thử thách, trưởng thành và khẳng định mình”. Từ đó, bằng các chương trình, hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, năng lực để tuổi trẻ khởi nghiệp; huy động nguồn lực xã hội để tổ chức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho tuổi trẻ; tạo hành lang, làm “bà đỡ” giúp tuổi trẻ nhiệt huyết cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thơm thăm, động viên các đội thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại các điểm trường trên địa bàn thành phố Vinh.

Bên cạnh sự vào cuộc đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp bộ Đoàn, mỗi cán bộ, ĐVTN cũng phải ý thức được trách nhiệm của bản thân, tự rèn luyện, phấn đấu, chủ động, sáng tạo. Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thơm cho biết: Các cấp bộ Đoàn cần quan tâm hơn nữa đến việc bồi đắp lý tưởng, nhận thức cho cán bộ, ĐVTN để mỗi cán bộ, ĐVTN khi tham gia vào các hoạt động, phong trào đều thấy rằng sự đóng góp của mình, dù ít hay nhiều, dù ở góc độ nào cũng có tác động trực tiếp đến cộng đồng, chắc chắn sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Trong khi đó, Đoàn đóng vai trò rất quan trọng – cánh tay đắc lực của Đảng. Do đó, mọi hoạt động phải được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm.

Tuy nhiên, để công tác Đoàn tại địa phương thật sự vững mạnh, hiệu quả, tránh sa vào hình thức, khô khan, thì đổi mới đầu tiên phải ở khâu cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ Đoàn ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, đa số tại các địa phương, đội ngũ cán bộ Đoàn thường kiêm nhiệm chức danh, cho nên nhiều cán bộ Đoàn không được đào tạo theo chuẩn, mà chỉ tự mày mò làm phong trào để dần tích lũy kinh nghiệm, chất lượng sinh hoạt của tổ chức đoàn cơ sở tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Thị đoàn Hoàng Mai kết nạp đoàn viên tại hang Hỏa tiễn đường sắt.

Việc triển khai phong trào thanh niên ở cơ sở cần bám sát thực tiễn, trong đó, điều quan trọng nhất, các cấp bộ Đoàn phải thật sự gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, từ đó xây dựng mục tiêu, kế hoạch tổ chức phong trào phù hợp. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới hình thức, mô hình hoạt động, tập hợp ĐVTN, tránh rập khuôn khiến ĐVTN chán nản, phai nhạt niềm tin đối với tổ chức Đoàn. Đồng chí Phạm Tuấn Vinh – Bí thư Thị ủy Thái Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn giai đoạn 2012-2019 cho biết: “Từ thực tế, phải xác định cách thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn hiện nay, phù hợp với điều kiện của ĐVTN bây giờ, đó là phải dành nhiều thời gian cho việc mưu sinh. Thước đo bây giờ không phải tự mình đánh giá tổ chức làm hay làm dở, mà phải quan sát thanh niên xem họ có thấy hứng thú, thoải mái với những hoạt động đó không. Một chương trình được tổ chức mà chỉ nhận được sự thờ ơ của ĐVTN, thì chúng ta cần làm rõ. Nếu nguyên nhân xuất phát từ sự tuyên truyền và trách nhiệm của cán bộ Đoàn chưa đầy đủ, thì cần khắc phục sớm khuyết điểm, còn nếu thực sự ĐVTN không quan tâm thì chúng ta cần xem xét lại nhu cầu của ĐVTN. Phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm liên tục thì sẽ bảo đảm được sự vận động tươi mới cho các phong trào Đoàn”.

Thay lời kết, xin trích chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào ngày 20/3/2019: “Tạo mọi điều kiện tốt nhất để tuổi trẻ phát triển bản thân. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, lãnh đạo cần quan tâm tới thanh niên, công tác Đoàn và thế hệ trẻ nhiều hơn nữa. Còn tổ chức Đoàn phải luôn đổi mới hình thức hoạt động để thu hút, tập hợp đoàn viên thanh niên hơn nữa”.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền thanh niên với nội dung hướng về biển đảo, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp dân tộc.