Ảnh: Đức Anh Xung quanh vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Công Khanh, Nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh đã có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An.
PV: Từ xưa đến nay, người Việt Nam luôn coi trọng tinh thần đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đoàn kết được xem là chìa khóa để mở ra các thắng lợi vẻ vang. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm giữ nước, tinh thần đoàn kết đã được dân tộc Việt Nam thể hiện ra sao?
PGS.TS. Nguyễn Công Khanh: Trong lịch sử, dù dưới triều đại nào, khi phải đối đầu với giặc ngoại xâm lớn mạnh gấp nhiều lần, dân tộc Việt Nam nhận thức rõ sức mạnh to lớn của sự đoàn kết trong công cuộc giữ nước. Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã khẳng định “Chúng Chí Thành Thành” (Ý chí của nhân dân chính là thành trì vững chắc nhất để giữ nước). Còn anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi thì lấy tư tưởng “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết dân như nước), “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” làm nền tảng để phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân, đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi.
Ảnh minh họa. Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết được nhân lên gấp bội. Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, huy động và chuyển hóa sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn...”. Dưới ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã tiến hành Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; nhân dân ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến hành công cuộc đổi mới và đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ảnh: Internet PV: Vào cuối năm 1284 đầu 1285, Vua Trần Nhân Tông đã viết vào đuôi ngự thuyền: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh” (Dịch nghĩa: Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ - Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân). Ý thơ phần nào nêu rõ vai trò, vị trí đặc biệt của Nghệ An trong khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Ông có thể cho biết rõ hơn về vai trò, vị trí đó?
PGS.TS. Nguyễn Công Khanh: Nghệ An là một tỉnh đất rộng, người đông; dưới góc độ tự nhiên, là hình ảnh thu nhỏ của đất nước; dưới góc độ lịch sử, là một trong những chiếc nôi đầu tiên của người nguyên thủy ở Việt Nam. Từ khi đất nước lâm nguy hơn nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân Nghệ An cùng chia sẻ với nhân dân cả nước. Nhân dân Nghệ An đã nhiều lần vùng dậy trong các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo, nổ ra và giành thắng lợi (713-722).
Khởi nghĩa Hoan Châu. Ảnh: Internet Trong hai lần kháng chiến chống Tống rồi chống giặc Mông - Nguyên, Nghệ An là một vùng hậu phương vững chắc cho cả nước. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên lần thứ hai, nhân dân Nghệ An đã đồng lòng đứng lên chặn đánh hướng tiến công từ Nam ra Bắc của Toa Đô.
Khi thực dân Pháp tiến hành vũ trang xâm lược nước ta (1858), ngay từ đầu nhân dân Nghệ An đã sục sôi phong trào cứu nước. Các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai; khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã liên tiếp nổ ra. Nhân dân Nghệ An còn hưởng ứng sôi nổi cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng, Cao Thắng lãnh đạo từ Hương Khê (Hà Tĩnh) phát triển ra... Khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ từ cuối thế kỷ XIX, sang đầu thế kỷ XX, cuộc vận động giải phóng dân tộc bùng lên với phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân do nhà yêu nước đầy nhiệt huyết Phan Bội Châu khởi xướng. Đặc biệt, vào giữa năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời, cũng là lúc một phong trào cách mạng được dấy lên khắp cả nước. Trong cao trào 1930 - 1931, cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt nhất. Trước sức mạnh đoàn kết của người dân xứ Nghệ, chính quyền đế quốc, phong kiến bị lật nhào ở một số vùng nông thôn và được thay thế vào đó là chính quyền Xô viết - đỉnh cao của cách mạng 1930 - 1931.
Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931. Tranh vẽ tư liệu Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 17 đến ngày 26/8/1945, chính quyền cách mạng đã được thành lập trên toàn bộ đất Nghệ An. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực hiện nghĩa vụ hậu phương, Nghệ An trở thành một hậu cứ vững chắc, an toàn cho tiền tuyến làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhân dân tỉnh nhà vẫn vững vàng chiến đấu, hăng say lao động, chi viện tối đa sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Bước sang thế kỷ XXI, Nghệ An đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, với truyền thống anh dũng, bất khuất trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, với tiềm năng của đất và người xứ Nghệ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Có thể thấy, trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc, người dân Nghệ An đã tự ý thức sâu sắc về lẽ sống, về trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp của mình đối với Tổ quốc, đồng thời cũng đã hun đúc được cho mình một bản sắc riêng ngày càng rõ nét. Bản sắc con người xứ Nghệ trong tiến trình lịch sử là: Cần kiệm, trung dũng, khảng khái và quyết liệt...Nhìn lại lịch sử Nghệ An từ buổi đầu dựng nước cho đến ngày hôm nay, nhân dân Nghệ An có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng của mình vào sự phát triển của dân tộc.
PV: Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đang trong một cuộc chiến mới - cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Là một người nghiên cứu lịch sử, ông có ý kiến gì về tinh thần đoàn kết “chống giặc Corona” hôm nay?
PGS.TS. Nguyễn Công Khanh: Vừa bước vào năm 2020, cùng với toàn thế giới, dân tộc ta lại gồng mình đối phó với một căn bệnh chưa từng có: Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19). Đây là một dịch bệnh mới, trên thế giới vẫn chưa có thuốc chữa. Hiện tại, dịch bệnh đã lan rộng khắp thế giới, hiện diện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 500 ngàn người nhiễm và hơn 20 ngàn người tử vong. Con số này còn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Việt Nam, số ca nhiễm tính đến ngày 27/3/2020 là 153 người, nghi nhiễm là hàng ngàn người và hàng vạn người buộc phải cách ly theo dõi. Covid-19 đang gây nên những thiệt hại nặng nề đối với kinh tế Việt Nam.
Kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe công dân trở về từ nước ngoài. Ảnh tư liệu Thành Cường Ngay trong chiều mùng 3 Tết (27/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chống dịch như chống giặc”. Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Trong cuộc chiến này, ngành y tế không đơn độc. Phát huy tinh thần đoàn kết, cả nước đã cùng chung tay để chiến thắng đại dịch. Phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới gây ra.
Ảnh: Đức Anh Cùng với cả nước, lãnh đạo tỉnh Nghệ An chủ động công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đăng tải các bản tin về tình hình dịch chính xác, kịp thời và các biện pháp để người dân chủ động phòng, chống dịch, không hoang mang lo lắng, phối hợp với ngành Y tế phòng, chống dịch hiệu quả.
Khi dịch lan rộng và có biểu hiện phức tạp, ngành Giáo dục Đào tạo cho học sinh, sinh viên nghỉ học, chủ động điều chỉnh lại chương trình giáo dục đào tạo của năm để hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm ở học sinh, sinh viên. Trong những ngày học sinh, sinh viên được nghỉ, các thầy, cô giáo Nghệ An vẫn tích cực đến lớp, chủ động tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trường lớp. Các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các thầy cô giáo bằng chính tài năng và sức lực của mình đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất nhiều dung dịch nước sát khuẩn, khẩu trang y tế để phát miễn phí cho giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn.
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đại đa số người dân Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung đã nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh; đến nay công tác ứng phó với Covid-19 ở nước ta vẫn trong vòng kiểm soát. Tính tới hết ngày 27/3/2020, Việt Nam đã có 20 trường hợp được chữa trị thành công bệnh nhân dương tính với virus Corona. Ở tỉnh ta chưa có trường hợp nào bị dương tính... Tổ chức Y tế thế giới WHO giành nhiều lời khen ngợi Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Khám sức khỏe tại khu cách ly. Ảnh tư liệu Thành Cường Bài học về đoàn kết, thống nhất trong chủ trương và hành động luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Với những chiến công bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng ta lại nhớ tới những lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”, “Nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Phục vụ cơm nước tận nơi, miễn phí cho công dân thực hiện cách ly 14 ngày. Ảnh tư liệu Thành Cường. Hơn lúc nào hết, đoàn kết là mạch nguồn của mọi chiến thắng, dù kẻ thù là con virus mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được. Những ngày tháng Ba này và có lẽ sắp tới nữa thực sự cam go, nhưng cũng là những ngày tháng ý nghĩa hiếm có. Nó cho mỗi quốc gia một bài kiểm tra khắc nghiệt về tính bền vững, khả năng ứng phó và bản chất của chế độ chính trị, tính cố kết của xã hội. Nó cho mỗi con người một khoảng lặng để chiêm nghiệm về cuộc đời, về lẽ sống, và về cách sống. Với mỗi người Việt Nam, nó nhắc nhở “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến này, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn,...” để chúng ta cố kết lại. Nhắc chúng ta “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng” để chúng ta đùm bọc lấy đồng bào. Nhắc cái lẽ “thương người như thể thương thân” để chúng ta cưu mang cả những người không phải là dân Việt. Để mọi người cùng tin, yêu và hy vọng cho hôm nay và mai sau.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!