LTS: Năm 2023 sắp khép lại, chúng ta chuẩn bị đón chào năm mới, nhìn lại một năm hoạt động của ngành giáo dục với rất nhiều những sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn một số sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2023.
Tòa soạn hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến đóng góp của độc giả cả nước về các bình chọn này, cũng như bổ sung khác!
1. Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực
Năm 2023, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia, gồm: 1 đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, 1 đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lí và Tin học.
|
Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Đặc biệt, tất cả các thí sinh của các đoàn tham dự Olympic năm nay đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen, tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất.
Kỳ thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương năm 2023, đội tuyển quốc gia Việt Nam có 6 thí sinh tham gia xếp giải đều đoạt huy chương, chiếm tỷ lệ 100% (4 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng). Theo cách xếp hạng huy chương, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 36 nước và vùng lãnh thổ tham dự.
Kỳ thi Olympic Vật lí Châu Á năm 2023: Cả 8 học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự đều đoạt giải, gồm 4 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen.
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế: 6/6 thí sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 6/112 quốc gia.
Kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2023: đội tuyển quốc gia Việt Nam có 5 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2023 (IchO) : Việt Nam có 3 học sinh đoạt Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, đoàn Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong tốp dẫn đầu kỳ thi.
Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2023 (IBO) : cả 3/3 thí sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải với 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.
Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 35 năm 2023: Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng trong nhóm 9 nước và vùng lãnh thổ đạt kết quả cao theo bảng tổng sắp huy với tỷ lệ đạt huy chương 100%, gồm 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng,
2. Xếp hạng đại học đạt được nhiều kết quả quan trọng
Năm 2023, một số trường đại học Việt Nam tiếp tục ghi danh trên bảng xếp hạng quốc tế với thứ hạng ấn tượng.
Tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh trong tháng 9 đã công bố bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024.
Việt Nam tiếp tục có 6 đại diện được xếp hạng, đó là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Cụ thể, trong hơn 1.900 đại học, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601-800 thế giới, vẫn dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam, nhưng đã tụt hạng so với vị trí 401-500 của năm 2023.
Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhóm 1.001-1.200 rơi xuống hạng 1.201-1.500. Riêng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Huế cùng xếp thứ 1.501+, giữ nguyên thứ hạng.
Trên thang điểm 100, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đầu trong các đại học Việt Nam về khía cạnh giảng dạy (teaching) với 20,9.
Còn Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân có thế mạnh ở chất lượng nghiên cứu (research quality) với 90,6 và 87,5 điểm, hơn hẳn các đơn vị khác vốn chỉ dao động từ 16,4 (ĐH Huế) đến 46,8 điểm (ĐH Bách khoa Hà Nội).
Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới, nhưng chưa có thứ hạng.
3. Chuỗi hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên được tổ chức vào ngày 24/3 tại Đắk Lắk. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Theo đó, ngày 27/2, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên được tổ chức vào ngày 24/3 tại Đắk Lắk.
Ngày 18/4, Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.
Ngày 14/6, tại tỉnh Nam Định, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng.
Ngày 14/7, Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị.
Trước đó, Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được tổ chức vào tháng 12/2022 tại tỉnh Sơn La.
Tại các Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của các vùng kinh tế - xã hội và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục tiếp tục lắng nghe chia sẻ của các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo về những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại còn vướng mắc và những đề xuất, giải pháp phát triển giáo dục trong giai đoạn tới.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Ngày 19/10, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.
Tại hội thảo, 5 cơ sở giáo dục đại học là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết văn bản hợp tác để hình thành liên minh đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quyết tâm rất cao, kỳ vọng các cơ sở giáo dục đại học đều tự xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ, vinh quang khi tham gia vào công việc đào tạo, nghiên cứu ở lĩnh vực này.
Bộ sẽ chủ trì xây dựng kế hoạch để sớm hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt.
5. Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc là 98,88%.
Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền: các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn; các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây Bắc, một số tỉnh Tây Nguyên…
|
Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Ảnh minh họa: Phạm Minh |
Các môn Toán, Vật lý, Hóa học phổ điểm không thay đổi so với các năm trước. Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh đã tốt hơn.
Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế, bất cập còn tồn tại trong quá trình tổ chức kỳ thi như nhiều thí sinh vi phạm quy chế thi, lộ đề thi môn Ngữ văn ở Cao Bằng và lộ đề thi môn Toán ở Yên Bái.
6. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục
Ngày 15/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".
Sự kiện được tổ chức trực tuyến để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết nối với các tỉnh, thành phố qua 63 điểm cầu của các Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 400 điểm cầu của các đại học, trường đại học.
Tại chương trình, các giáo viên đã có dịp chia sẻ, đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến chính sách nhà giáo được đề cập như định mức, lương, phụ cấp nhà giáo; quy định tuổi nghỉ hưu nghề giáo; chính sách đặc thù cho các giáo viên mầm non; chính sách, vị trí việc làm cho nhân viên trong các nhà trường…
7. Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025
Ngày 28/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định về việc phê duyệt "Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025".
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo phương án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ và Lịch sử được xếp vào nhóm môn thi tự chọn.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 vẫn sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
8. Bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục
Năm 2023, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên, vấn đề về bạo lực học đường, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học và vấn đề tham vấn tâm lý học đường cần được quan tâm hơn.
Từ tháng 4, một nữ sinh trường chuyên tự tử nghi vì bị nhóm bạn tẩy chay và bị bạo lực học đường khiến dư luận dậy sóng.
Cuối tháng 9, vụ việc giáo viên kéo lê học sinh vì không đặt bánh sinh nhật đúng ý cô giáo thêm một lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề văn hóa ứng xử trong môi trường học đường.
Thời điểm đó, trên mạng xã hội lan truyền những đoạn clip một nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức, co giật, sau đó được cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp. Trong clip, nữ sinh nằm bệt ngoài hành lang trước cửa lớp học, nữ sinh vừa khóc vừa gọi "cô ơi". Trong khi đó cô giáo dùng tay nắm áo kéo nữ sinh vào lớp và nói "cô đừng làm cho người khác nhục mặt vì cô nhé".
Vào cuối tháng 11, lại xảy ra vụ việc học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, bị nhóm bạn cùng lớp bạo lực học đường nhiều lần dẫn tới rối loạn tâm thần.
Hầu hết các vụ bạo lực học đường đều để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, bên cạnh đó, tác động rất lớn đến tâm lý học sinh. Ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường, quan tâm đến vấn đề tham vấn tâm lý học đường, xây dựng trường học hạnh phúc đúng nghĩa.
9. Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
Giữa tháng 12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
|
10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đã đạt một số kết quả quan trọng. Ảnh minh họa: Phạm Minh |
Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đã đạt một số kết quả quan trọng như: hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát; hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; triển khai một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu tạo chuyển biến tích cực; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn,…
Bên cạnh kết quả đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn,…
10. Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực
Đến năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu thập được thông tin của 100% trường học (khoảng 53.000 trường) ở bậc mầm non và phổ thông: với 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 2,4 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, thông tin về thể chất của học sinh; Kết nối (API) với hơn 17.083 trường học....
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (HEMIS): Thu thập, số hoá dữ liệu của 442 cơ sở đào tạo, 152.470 giảng viên, 2.102.165 người học. Đồng thời, thu thập dữ liệu về nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, tài chính, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành giáo dục.
Về chuyển đổi số trong dạy và học, Bộ Giáo dục và đào tạo đã thực hiện hơn 7000 bài giảng E-learning và video bài giảng, thực hiện bản điện tử toàn bộ các bộ sách giáo khoa phổ thông.
Về giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đại học xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở, dùng chung cho các trường đại học (MOET-MOOC).
Nguyên Phương