1. Quản trị đại học
Quản trị có tầm quan trọng và được coi là nhân tố quyết định tạo nên thành công của tổ chức. Quản trị tốt là tạo ra một hệ thống các thiết chế, nguyên tắc quản trị tốt cho tổ chức, trong đó có cơ cấu bộ máy và phối hợp các nguồn lực khác nhau để đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển của tổ chức. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn và đặc biệt quan trọng đối với trường đại học, nơi nguồn vốn đặc trưng là con người với tỷ trọng nhân lực chất lượng cao lớn hơn mức trung bình chung của xã hội, cùng với các sản phẩm quan trọng nhất là tri thức và công nghệ mới.
Quản trị trường đại học (gọi chung là quản trị đại học) là một hệ thống được thiết lập và thực hiện trong các trường đại học phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đương đại. Quản trị đại học dựa vào những nguyên lý và thông lệ hướng đến việc trường đại học thực hiện được sứ mệnh của mình và thực hiện cải tiến liên tục các mặt hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các bên liên quan. Các nguyên lý quản trị này có thể theo quy trình hay dựa trên kết quả đầu ra với các tiêu chí cụ thể để các bên liên quan có thể giám sát các hoạt động của trường đại học.
Mặt khác, quản trị đại học cũng cần tuân thủ các nguyên tắc mang tính bắt buộc được các cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan chủ sở hữu ban hành nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong quản lý và hoạt động (Đinh Văn Toàn, 2019c, tr.52). Do vậy, một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến mức độ của quản trị đại học ở Việt Nam hiện nay là tìm ra một mô hình tổ chức bộ máy phù hợp.
Một hệ thống quản trị đại học tốt sẽ khơi dậy và khuyến khích cái tốt phát triển, tạo ra nguồn vốn trí tuệ - chính là bí quyết hay lợi thế cạnh tranh của một đại học trong thế giới ngày nay. Trái lại, nó sẽ làm băng hoại các giá trị của đại học và hủy hoại môi trường đại học. Theo nhiều học giả, ngoài các hoạt động trung tâm (như giảng dạy, học tập, chương trình đào tạo, thành quả học tập, kiểm tra và đánh giá...), các nhân tố bổ trợ nhưng góp phần quyết định đến thành công của trường đại học chính là: lãnh đạo và quản trị đại học (Ngô Tuyết Mai, 2012). Thực tiễn hoạt động của các trường đại học trên thế giới cũng như một số tổng kết của các nhà nghiên cứu cho thấy, những đặc điểm chung nhất của một trường đại học thành công ở tầm cỡ quốc tế là: chú trọng vào năng lực; nguồn lực phong phú và sự quản trị thuận lợi. Có thể khẳng định vai trò của quản trị đại học có tính chất quyết định đối với vận mệnh của một trường đại học.
2. Quản trị tiên tiến và mô hình đại học đổi mới sáng tạo - đại học 4.0
Về mô hình, nhiều tổng kết từ các nghiên cứu chỉ ra 3 xu hướng chủ yếu trong tổ chức quản lý các trường đại học trên thế giới qua các giai đoạn (cũng có thể coi là các mô hình tổ chức và quản trị). Các mô hình đó là: Tổ chức mang tính hành chính; Tổ chức cộng đồng học giả và mô hình tổ chức kiểu “đại học doanh nghiệp„. Mỗi mô hình gắn với các đặc điểm khác nhau ở khía cạnh tổ chức và phong cách quản lý của trường đại học (Đinh Văn Toàn, 2019c, tr.57-58).
Mô hình trường đại học như một tổ chức hành chính (bureaucracy) gắn liền với vị trí của trường đại học là một đơn vị sự nghiệp nhà nước. Trong mô hình này, đại học thường do Nhà nước đầu tư thành lập và quản lý giám sát nhà trường như một cơ quan sự nghiệp. Mô hình đại học như một cộng đồng học giả (collegium) là hình thức tổ chức sớm nhất của trường đại học ra đời cùng với các trường đại học thời trung cổ. Theo đó, các trường đại học hoạt động theo nguyên tắc phường hội và “tự quản„. Môi trường làm việc cơ bản của cộng đồng học giả là tính tự chủ chuyên môn, quyền lực gắn với sự uyên thâm về kiến thức và rất ít sử dụng hệ thống cấp bậc quản trị và không có các nguyên tắc kiểm soát một cách cứng nhắc.
Mô hình đại học doanh nghiệp (corporate university) ra đời cùng với phong trào quản lý công mới liên quan đến một cuộc cải cách về quản lý trong khu vực công được khởi xướng từ các nước Tây Âu trong thập niên 80 của thế kỷ XX. Theo mô hình này, quan niệm về đổi mới tổ chức và phương thức quản lý tại các trường đại học cần dựa vào việc tăng cường tính hiệu quả hoạt động, đánh giá theo sản phẩm đầu ra và áp dụng các công cụ quản lý theo mô hình của các doanh nghiệp.
Ngày nay, theo đuổi mục tiêu quản trị đại học tiên tiến yêu cầu phải có những thay đổi căn bản, toàn diện đứng trên quan niệm về trách nhiệm và vai trò 3 bên: Nhà nước, trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp. Bối cảnh trên thế giới hiện nay cho thấy, các trường đại học đã chuyển sang mô hình “đại học đổi mới sáng tạo„, với các đặc trưng chủ yếu nhất là: mô hình đại học khởi nghiệp gắn với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo (Đinh Văn Toàn, 2019b) hoạt động với bản chất tự chủ. Ở đây cần hiểu tự chủ đại học bao gồm tự chủ về học thuật đối với các nhà khoa học, tự chủ về tổ chức nhân sự, tự chủ về tài chính và hệ thống khung khổ pháp lý để hoạt động của trường đại học gắn với đổi mới, tiến tới đẩy mạnh khởi nghiệp. Đặc biệt, hoạt động của các đại học cần hướng đến đáp ứng tốt yêu cầu của các bên liên quan (trong đó bao gồm phục vụ cộng đồng), không chỉ là các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Do vậy, vai trò trung tâm đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức đối với xã hội càng trở nên quan trọng và có thể coi là các nhiệm vụ chủ yếu của các trường đại học ngày nay. Sứ mệnh, nhiệm vụ của các trường đại học đã có những thay đổi trong hơn một thế kỷ qua:
Các trường đại học trước thập niên 80 của thế kỷ trước với nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục mang tính đơn ngành nhằm tạo ra những người lao động lành nghề (Đại học 1.0); Trước những năm 1990 đã đào tạo liên ngành nhưng mục tiêu chủ yếu vẫn là những lao động có tri thức, có chất lượng cao về chuyên môn (Đại học 2.0); Sau những năm 1990 cho tới những năm đầu thế kỷ XXI, các trường đại học không chỉ là cơ sở giáo dục và nghiên cứu khoa học, mà trở thành các trung tâm đào tạo tri thức mới, đào tạo những người có kiến thức đa ngành có thể tạo ra kiến thức mới (Đại học 3.0).
Kể từ sau những năm 2000 và trong giai đoạn của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đại học có sứ mệnh đổi mới và tạo ra các giá trị mới nhờ không gian đổi mới sáng tạo, liên kết vạn vật, xuyên ngành và học tập mọi nơi. Sản phẩm đại học tạo ra lúc này còn là những doanh nhân và nhà khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo - đại học 4.0 (Nguyễn Hữu Đức và cộng sự, 2018).
3. Tổ chức bộ máy trường đại học, quản trị đại học tiên tiến và khởi nghiệp
Quản trị đại học tiên tiến luôn gắn với các yêu cầu hoạt động hiệu quả của đại học nhưng phải đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao để phục vụ cộng đồng. Do vậy, về nội dung quản trị đại học cũng gắn với các hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục đối với trường đại học nhằm đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ của giáo dục đại học 4.0 (thể hiện tại Hộp).
Hộp: Các yêu cầu và nguyên tắc chủ yếu của quản trị đại học tiên tiến
1. Quản trị đại học gắn với đảm bảo chất lượng trường đại học. 2. Quản trị đại học nhằm đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của các bên liên quan. 3. Các nội dung gắn với đảm bảo chất lượng và bao gồm: - Quản trị chiến lược (tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa, hệ thống quản lý các nguồn lực); - Quản trị các hệ thống (đảm bảo chất lượng, tự đánh giá và nâng cao chất lượng); - Quản trị chức năng (đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng); - Quản trị các kết quả đầu ra (kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, tài chính và kết nối thị trường). |
Nguồn: Đinh Văn Toàn, 2019, tr. 58
Theo xu hướng chung trên thế giới, các trường đại học ngày nay đã chuyển sang mô hình “đại học đổi mới sáng tạo“ gắn liền với quản trị đại học tiên tiến. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới tổ chức hoạt động của nhà trường gắn với tự chủ và phù hợp nền kinh tế - xã hội phát triển hiện đại như một hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Lúc này, đặc trưng chủ yếu nhất của trường đại học là: Đáp ứng các yêu cầu của quản trị đại học tiên tiến nêu trên nhưng là một trung tâm khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo và đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan (Đinh Văn Toàn, 2019b).
Nhiều nghiên cứu gần đây của các học giả trên thế giới đã khẳng định xu hướng các trường đại học mô hình truyền thống chuyển đổi thành các trường đại học khởi nghiệp mà ở đó các hoạt động luôn gắn với tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (Gibb, 2012; Dalmarco và Hulsink, 2018). Tại các trường đại học công lập, kết quả của các hoạt động và sự chuyển dịch này làm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Do vậy, các quốc gia thường có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển tinh thần khởi nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, chính phủ luôn tạo khung khổ pháp lý, cơ chế cho một môi trường khuyến khích đổi mới, tự chủ trong cơ cấu tổ chức và quản lý điều hành trong nội bộ các trường đại học.
Sau trên 20 năm chuyển đổi, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy hệ thống các trường đại học có sự liên kết mang tính mạng lưới với xã hội, đặc biệt là mô hình liên kết soắn 3 bên “Triple Helix“ (Etzkowitz và Leydesdorff, 2000). Theo mô hình này, Nhà nước có vai trò quan trọng trong thiết lập môi trường, cơ chế cho sự liên kết hiệu quả giữa 3 bên: Trường đại học - Chính phủ - Doanh nghiệp. Đặc biệt, mô hình tổ chức và quản lý điều hành của đại học có sự thay đổi mạnh mẽ: đại học trở nên đa dạng về phương thức hoạt động, tăng cường liên kết nội bộ và các bên trong tổng thể một hệ sinh thái “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" để thúc đẩy việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học (Hình). Với mô hình và định hướng hoạt động như vậy, quản trị đại học tiên tiến yêu cầu sự thay đổi về tổ chức, quản lý và điều hành theo hướng phù hợp với môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hình: Mô hình tổ chức trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo
Nguồn: Đinh Văn Toàn, 2019c, tr. 60
Trong mô hình trên, trường đại học cần có năng lực nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm, viện, trung tâm nghiên cứu trong trường cho ra đời các ý tưởng kinh doanh, công nghệ mới và các phát minh, sáng chế hữu ích. Nhưng để có thể thương mại hóa được các sản phẩm nghiên cứu khoa học này, trường đại học cần thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ (OTT) và các vườn ươm doanh nghiệp để hỗ trợ và thúc đẩy việc hình thành doanh nghiệp thuộc đại học. Trong đó, các công ty Spin-offs độc lập (doanh nghiệp hình thành từ các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học) hoặc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo (Startups) có vai trò quan trọng.
Ngoài việc cấp phép chuyển giao công nghệ ra các doanh nghiệp bên ngoài, (thông qua các OTT), các doanh nghiệp trực thuộc trường đại học cũng góp phần thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của mình. Hệ sinh thái như vậy sẽ góp phần tích cực vào hoàn thiện mô hình quản trị trường đại học tiên tiến theo hướng tự chủ học thuật cho các nhà khoa học và tự chủ về tài chính cho nhà trường, đồng thời trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo. Như vậy, giáo dục đại học 4.0 đã thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình đại học. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu, mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang lại giá trị cho xã hội (Nguyễn Hữu Đức và cộng sự, 2018). Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học, hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục, đáp ứng được yêu cầu của các bên có lợi ích liên quan.
Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chủ đạo là kết nối và công nghệ số cùng với môi trường học tập mở đang tác động rất mạnh tới các trường đại học theo mô hình truyền thống - quản lý và điều hành mang tính hành chính. Các nghiên cứu và thực tiễn hoạt động của các trường đại học trên thế giới cho thấy, các trường đại học vận hành theo mô hình truyền thống khó đáp ứng yêu cầu của thị trường nói chung, đặc biệt là hoạt động theo phương thức đại học khởi nghiệp nói riêng (Đinh Văn Toàn, 2019c, tr. 61). Trong bối cảnh như vậy, về mặt quản lý nhà nước, các trường đại học cần được chuyển hướng sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các cơ quan quản lý cần gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước, nhưng phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư tài chính và các nguồn lực trong trường đại học.
Về tổ chức quản lý và điều hành trong nội bộ trường đại học, cần sự thay đổi về quan điểm và cách thức điều hành theo mô hình đại học khởi nghiệp. Theo đó, lãnh đạo đại học cũng cần có phong cách lãnh đạo với “tinh thần doanh nghiệp”: khuyến khích các ý tưởng mới, luôn đổi mới, sáng tạo trong tư duy, dám mạo hiểm, quyết đoán trong các quyết định. Quản trị theo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo thông lệ, đảm bảo tính hiệu quả và các sản phẩm đầu ra thỏa mãn các bên liên quan. Đặc biệt, phương thức quản lý, điều hành cần tạo động lực để thúc đẩy đội ngũ quản lý, giảng viên, người học trong môi trường hoạt động năng động, đổi mới sáng tạo.
4. Kết luận và đề xuất cho các trường đại học ở Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam, các trường đại học, đặc biệt là trường công lập, vẫn chủ yếu điều hành mang tính hành chính. Chức năng của trường đại học về cơ bản vẫn được coi là nơi đào tạo nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, bộ ngành chủ quản. Do vậy, quan niệm trường đại học là nơi tụ hội các tư tưởng học thuật dường như mới chỉ dừng ở mức độ mong muốn của giới học thuật. Nhưng mặt khác, coi trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo và có chức năng thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ như mô hình “đại học khởi nghiệp” trong bối cảnh “đại học 4.0” cũng mới được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu của giới học thuật, được thể hiện nhiều ở mong muốn của lãnh đạo chính phủ và các nhà xây dựng chính sách.
Phương thức và tư tưởng của mô hình cộng đồng học giả hiện diện phần nào ở các đơn vị nghiên cứu và học thuật trực thuộc đại học như khoa, bộ môn, viện nghiên cứu. Trong khi đó, trường đại học khởi nghiệp hoạt động dựa trên các nền tảng: trước hết lấy sự thỏa mãn các bên liên quan và hiệu quả hoạt động; theo đuổi sáng tạo tri thức mới; và quan trọng hơn nữa là một khung khổ quản trị tiên tiến để phát huy hết các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Như vậy, khi chưa xây dựng được một văn hóa học thuật đúng nghĩa, chưa có cơ cấu tổ chức và quản lý phù hợp, thì khó có thể xây dựng được trường đại học vận hành theo cơ chế của quản trị đại học tiên tiến gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thực tế nêu trên đòi hỏi phải giảm bớt các thủ tục quản lý rườm rà, chỉ thích hợp cho giai đoạn duy trì sự ổn định như các trường đại học có bộ, cơ quan chủ quản như ở Việt Nam hiện nay. Thay vào đó, cần hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo khuôn khổ quản trị đại học theo thông lệ chung trên thế giới hiện nay - đại học 4.0 gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với các trường đại học, cần hình thành một cơ chế quản lý điều hành và ra quyết định linh động, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, các bên có lợi ích liên quan và toàn xã hội; cần phương thức quản trị hiệu quả, loại bỏ cách quản lý hành chính theo hệ thống cấp bậc và các thủ tục làm hạn chế các liên kết theo chuyên môn, ít nhấn mạnh vai trò của đội ngũ học thuật, giảng viên và người học, mà dành nhiều quyền lực cho các bộ phận quản lý điều hành. Muốn vậy, mô hình tổ chức cần chuyển đổi theo hướng phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường thông qua làm rõ chức năng, nghĩa vụ của hội đồng trường, hiệu trưởng và hình thành các bộ phận độc lập để thực hiện hiệu quả chức năng sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, phát triển doanh nghiệp và các hoạt động mang tính kinh doanh.
Sự chuyển đổi và các điều kiện nêu trên góp phần đảm bảo giảm bớt sự phụ thuộc ngân sách nhà nước, giảm phụ thuộc nguồn thu từ người học đối với tài chính trường đại học. Đây là điều kiện quan trọng cho tự chủ về tài chính và tự chủ đại học nói chung, nhưng cũng là điều kiện để đổi mới quản trị đại học, xây dựng văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường tiếng nói của cán bộ học thuật, người học cũng như các bên liên quan, tiếp cận gần hơn với thông lệ và các thực hành tốt trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Hữu Đức, Nguyễn Hữu Thành Chung, Nghiêm Xuân Huy, Mai Thị Quỳnh Lan, Trần Thị Bích Liễu, Hà Quang Thụy, Nguyễn Lộc, 2018, Tiếp cận giáo dục đại học 4.0 – Các đặc trưng và tiêu chí đánh giá, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu chính sách và quản lý, Vol.34, số 4, 2018.
- Ngô Tuyết Mai, 2012, “Cải cách trong quản trị trường đại học công lập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo: những điều Việt Nam có thể học hỏi từ thực tiễn trên thế giới”, Tham luận tại Hội thảo Quốc tế về quản trị đại học, Trung tâm SEAMEO – Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, ngày 28-29/6/2012.
- Đinh Văn Toàn, 2019a, Phát triển doanh nghiệp trong trường đại học và những gợi ý chính sách về đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam, VNU Journal of Science: Economics and Business, Vol. 35, No. 1 (2019) 1-14.
- Đinh Văn Toàn, 2019b, “Nghiên cứu các yếu tố nền tảng cho phát triển doanh nghiệp trong trường đại học”, Tạo chí Kinh tế châu Á - Thái Bình dương, số 553, tháng 12, năm 2019, tr. 18-21.
- Đinh Văn Toàn, 2019c. Phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học - Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tiễn Việt Nam, Sách chuyên khảo, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Dalmarco G. và Hulsink W. (2018), Creating entrepreneurial university in an emerging country: Evidence from Brazil, Technological Forecasting and Social Change
- Etzkowitz , H. and Leydesdorff, L. (2000). The dynamics of innovation: from National systems and "Mode 2" to a Triple Helix of university-industry-government relations, Research policy, 29: 109-123.
- Gibb A. (2012), “Exploring the synergistic potential in entrepreneurial university development: towards the building of a strategic framework”, Annals of Innovation & Entrepreneurship, 3:1.
TS. ĐINH VĂN TOÀN (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)