Phóng viên báo điện tử Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQGHN – cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được coi là đã có quyền tự chủ cao từ giữa thập niên 1990. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu bài trảo đổi này.
Nhận diện tự chủ đại học
PV: Thưa GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, tự chủ đại học đang được mong đợi sẽ là chiếc đũa thần tạo sự phát triển cho hệ thống đại học Việt Nam, GS có đánh giá như thế nào về kỳ vọng này?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Điều đó không chỉ đúng với Việt Nam mà cả trên toàn cầu. Tuy nhiên, còn phụ thuộc rất nhiều vào người cầm chiếc đũa ấy và khi có nó rồi các trường đại học sẽ “thần chú” điều gì.
Nội dung tự chủ đại học rất rõ ràng và nội hàm của nó rất sâu sắc, cần tìm hiểu kỹ và triển khai áp dụng một cách linh hoạt và có trách nhiệm; phụ thuộc vào việc nhận diện, cách làm và người thực hiện. Nhận diện sai, hời hợt; định hướng lệch thậm chí sẽ còn gây hệ lụy khôn lường.
PV: Thế GS đã có nhận diện gì trong cách làm tự chủ đại học hiện nay của chúng ta và ở các nước?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Các trao đổi hiện nay về vấn đề này có rất nhiều ý kiến bàn luận về vai trò của khách thể. Tôi muốn nhận diện theo một số tiếp cận hướng về chủ thể.
Thứ nhất, tự chủ có nghĩa là không bị can thiệp từ bên ngoài. Về nguồn gốc, tự chủ ban đầu chỉ là thuộc tính của các trường đại học có định hướng nghiên cứu, có tầm nhìn và mục tiêu học thuật dài hạn, có đội ngũ các nhà khoa học trình độ cao và say mê các hoạt động sáng tạo.
Trong lịch sử, các trường đại học này cần được thoát khỏi sự can thiệp của giáo hội và nhà nước vào quá trình sáng tạo và tiếp cận chân lý. Các trường đại học tầng tinh hoa này rất cần tự chủ về học thuật.
Tuy nhiên, về thực chất hệ trong hệ thống đại học còn có các trường đại học thuộc nhóm đại chúng, chỉ tập trung đào tạo định hướng thực hành nghề nghiệp. Đối với các trường này, tự chủ mà họ quan tâm chỉ là quy mô tuyển sinh, quy định mức học phí và mở ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao.
Vừa qua, chúng ta triển khai thí điểm tự chủ đối với một số trường và đang tập trung hô “thần chú” vào các nội dung này. Các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm khác có vẻ còn hơi mờ nhạt. Trong các trường thí điểm đợt này và theo hướng này, tôi thấy có cả một số trường đại học trọng điểm, có thương hiệu. Nếu quá chú tâm vào điều này, có thể chúng ta sẽ “đại chúng hóa” mất các trường đại học tốp đầu.
Thứ hai, tự chủ đại học không phải hoàn toàn còn mới ở nước ta. Nhiều yếu tố của tự chủ đã được áp dụng cả rồi đấy chứ. Cụ thể như: hiệu trưởng thì các trường vẫn tự chủ giới thiệu và bầu; cán bộ quản lý trực thuộc thì vẫn chính các trường bổ nhiệm; giảng viên các trường trực tiếp tuyển; chương trình đào tạo chi tiết thì cũng các trường tự xây dựng; kinh phí thì các trường tự quyết định chi theo quy chế chi tiêu nội bộ và theo các quy định chung.
Rất ít trường hợp mà hiệu trưởng các trường đã bầu mà lại không được cấp trên phê chuẩn, bổ nhiệm và chưa bao giờ có ai cầm tay chỉ việc bắt các trường phải tuyển giảng viên này, không tuyển giảng viên kia. Có chăng là các thủ tục hành chính ở nước ta còn rườm rà, phải phê duyệt qua nhiều cấp và đặc biệt là nguồn lực tài chính còn quá hạn chế.
Hiện nay, ở Malaysia, qua bài phân tích trên Policy IDEAS tháng 5/2017 vẫn thấy mức độ tự chủ đại học của họ không khá gì hơn chúng ta. Hội đồng trường và Hiệu trưởng vẫn do Bộ trưởng bổ nhiệm. Hiệu trưởng đi công tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Bộ trưởng.
Các trường đại học tư hoàn toàn không sử dụng ngân sách của Nhà nước nhưng vẫn chịu sự quản lý còn chặt chẽ hơn bởi nhiều điều luật bổ sung… Cùng mức độ tự chủ đại học như thế, nhưng Malaysia đã có đến 27 trường lọt tốp 400 châu Á, thậm chí còn có 5 trường trong nhóm 300 thế giới.
Cho nên vấn đề ở đây, cần phải nhận diện ra nguyên nhân chủ yếu từ năng lực, cách làm và trách nhiệm tự chủ của các trường đại học. Mọi người đã biết là có thể phân biệt hai nhóm nội dung tự chủ: tự chủ theo chức năng là tự chủ của trường đại học trong xác định và thực hiện mục tiêu học thuật; và tự chủ về thủ tục là sự tự chủ trong việc xác định các quy trình vận hành bên trong và bên ngoài. Trong cả 2 nội dung đó đều có trách nhiệm của các trường. Trước hết và sau cùng đều có nguyên nhân nội tại tự các yếu tố chủ thể là các trường, các khoa, các nhà quản lý, giảng viên và người học.
Thứ ba, tự chủ đại học không thể tách rời hệ thống chính trị. Tại sao chúng ta cứ hô hào hội nhập vị hội nhập vậy? Tách rời với thực tiễn, không phát huy những lợi thế hiện tại chúng ta đang có để triển khai cho hiệu quả.
Cần phân loại đại học tự chủ
PV: Tức là theo GS, cần phải có quan điểm về cách làm và bước đi của tự chủ đại học. Cách làm đó liên quan gì đến với phân tầng đại học không, thưa GS?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Nhắc đến phân tầng đại học, tôi lại muốn nhận diện tiếp về một xu thế “làm” đại học rất đặc trưng ở trên thế giới. Ở các nước phát triển, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khi mà khả năng vốn hóa tri thức, khả năng tạo ra được các giá trị gia tăng và các yếu tố cạnh tranh từ hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ rất cao thì có rất nhiều trường đại học tư có mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu tiên tiến.
Trong các bảng xếp hạng QS năm 2017, 27 trường đại học nghiên cứu xuất sắc nhất của Hoa Kỳ đều là trường đại học tư, trường thứ 28 mới là một trường đại học công lập ít ỏi được lọt vào tốp.
Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam ta thì ngược lại, đại học định hướng nghiên cứu có chăng chỉ là một số rất ít trường đại học công lập. Còn lại, các trường đại học tư chủ yếu là đại học ứng dụng và thực hành với mục tiêu đào tạo nhân lực.
Nói như vậy để thấy rằng, xu thế tự chủ của các trường đại học các tầng khác nhau có sứ mệnh và mục tiêu tự chủ khác nhau.
Với mục tiêu tự chủ để giải phóng các hoạt động nghiên cứu sáng tạo thì có thể mở tối đa các nấc, các khóa. Còn với mục tiêu tự chủ chỉ để đào tạo thì cũng cần có điều kiện, có nấc, có quy hoạch và yêu cầu đảm bảo chất lượng.
Tự chủ mà chúng ta không điều khiển được sự cân bằng giữa các hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong hệ thống, thì chúng ta chỉ có hệ thống các “trường đại học cấp 4”.
PV: Cơ sở nào để GS có đề xuất phân loại mức độ tự chủ như vậy, thưa GS?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Như trên đã nói, tự chủ đại học có thể chia ra làm 2 mức độ: tự chủ về mục tiêu hoạt động và tự chủ về thủ tục vận hành.
Để tự chủ được mục tiêu (mục tiêu của trường đại học, mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia) thì phải có một nhóm trường có trách nhiệm đảm bảo sự phát triển cân đối ngành nghề cho nền kinh tế, phát triển các ngành Nhà nước cần và triển khai các nhiệm vụ Nhà nước đặt hàng. Lúc đó, Nhà nước phải cấp kinh phí cho các hoạt động này.
Với các ngành nghề đào tạo mà thị trường lao động và người học đều có nhu cầu thì Nhà nước để thị trường tự điều chỉnh. Rất cần có sự cam kết và công bố về mục tiêu, nhưng hiện nay ít thấy bàn tới vấn đề tự chủ theo đuổi mục tiêu học thuật một cách đầy đủ và thực chất.
Về tự chủ thủ tục vận hành, đại học không thể là một thực thể độc lập. Các yếu tố cần thiết để xây dựng nên chất lượng giáo dục và uy tín của một trường đại học trước hết là mục tiêu, sự đam mê và thái độ học tập của sinh viên; tiếp đến là năng lực đào tạo và nghiên cứu của giảng viên; tầm nhìn và tính năng động của hệ thống quản lý; sự phối hợp của các bên liên quan.
Xét về từng cá nhân, thành công của mỗi người có lẽ chỉ phụ thuộc vào một triết lý giáo dục cơ bản, đơn giản là nhà trường tạo ra được môi trường học thuật tốt, thúc đẩy được động lực học tập, sự đam mê và khả năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo. Nhưng xét về mặt hệ thống, sự thành công của một quốc gia lại phụ thuộc vào tầm nhìn và năng lực quản trị, năng lực đào tạo và nghiên cứu của nhà trường.
Thêm vào đó là vai trò của Chính phủ và các nhà tuyển dụng. Động lực phát triển của đại học phụ thuộc rất nhiều và mục tiêu phát triển của quốc gia và doanh nghiệp. Trong rất nhiều quốc gia ngay cả châu Âu, Nhà nước và của Bộ chủ quản vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập các quy chuẩn, quy trình, quy hoạch… đảm bảo cho sự phát triển giáo dục đại học tương thích với sự phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của các ngành kinh tế.
PV: GS có nhắc đến sự tương thích của tự chủ đại học với hệ thống chính trị, vậy GS có thể nói rõ hơn về mối quan hệ giữa Hội đồng trường, cấp ủy Đảng?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Trong thực hiện tự chủ đại học, vấn đề nổi cộm hàng chục năm qua là vấn đề Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường. Nếu so sánh thì ở một chừng mực nào đó, vai trò của cấp ủy Đảng ở các trường đại học hiện nay có rất nhiều nét tương đồng với vai trò của Hội đồng trường.
Trong khi triển khai kiểm định chất lượng đại học theo chuẩn của mạng lưới ASEAN, dù có ý tránh né, nhưng cán bộ của chúng tôi cũng đã mô tả vai trò của các cấp ủy đảng trong nhà trường và các chuyên gia kiểm định quốc tế cũng đã thừa nhận sự tương đồng ấy ở một mức độ nhất định.
Về khả năng tích hợp thành phần của cấp ủy Đảng với thành phần của hội đồng trường thì có thể còn phải nghiên cứu thêm, nhưng riêng việc tích hợp chức danh Bí thư đảng ủy với Chủ tịch Hội đồng trường thì tôi nghĩ là có thể thực hiện được ngay.
Học phí cần phải được tính toán đầy đủ và công bằng
PV: Vấn đề bất cập lớn nhất về tài chính mà GS đã nêu, trong điều kiện nước ta hiện nay liệu có giải pháp nào khả thi không thưa GS?
GS.TS. Nguyễn Hữu Đức: Trong tình trạng chuyển giao tri thức và công nghệ của nước ta, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, tài chính cho các trường đại học chủ yếu vẫn phụ thuộc nguồn học phí.
Tuy nhiên, cách tính mức học phí hiện nay hoàn toàn chưa hợp lý và dự kiến mức học phí cho các năm tới cũng đang được dư luận rất quan tâm. Chi phí cho đào tạo chịu ảnh hưởng chung của giá cả thị trường và mức sống trung bình của một quốc gia, cần phải được tính toán đầy đủ và công bằng.
Chi phí cho hoạt động của nhà trường từ tiền điện, nước, đến mua sắm trang thiết bị… đều chung một giá với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Không có lý do gì lại hạch toán theo một tinh thần và sự chia sẻ khác.
Kinh nghiệm của một số nước thường xác định mức học phí theo mức thu nhập bình quân đầu người. Mức học phí của các trường đại học công lập Thái Lan tùy thuộc vào chất lượng của các trường, thay đổi từ mức tương đương 30 triệu đồng/năm (các trường địa phương) đến 100 triệu đồng/năm (các trường tốp đầu), như học phí trường đại học Chiềng Mai gần 70 triệu đồng/năm. Mức thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan nhiều năm qua chỉ duy trì ở mức 6.000 đôla Mỹ/năm.
Năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng đến 2.600 đôla Mỹ/năm. Trong lúc đó, như tin báo chí đã đưa, nếu có dự kiến tăng thì mức học phí (trừ ngành y dược) của ta cũng chỉ mức 24 triệu (đối với trường tự chủ tài chính) và 11,7 triệu đối trường chưa tự chủ. Đồng thời với việc Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội, thông tin này cũng cần được xem xét trong lộ trình thực hiện mức học phí hiện nay.
Trong thời đại toàn cầu hóa, chi phí đào tạo phải có mặt bằng chung. Nước ta cũng vậy, các nhà giáo dục chưa thể có cách gì và giải pháp nào để có thể làm ra sản phẩm đào tạo có chất lượng mà chi phí rẻ hơn được.
Xin trân trọng cám ơn GS.TS. Nguyễn Hữu Đức!
Hồng Hạnh - Dân trí - VNU Media