Nhận thức rõ người tài có vai trò sống còn đối với quốc gia, nên ngay từ năm 1076 thời Lý, Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên đã được mở để dùng vào việc trọng đại này. Nền văn minh Đại Việt có đóng góp lớn của khoa cử Lý – Trần. Đến thời Lê sơ, việc thi cử càng được coi trọng với khoa thi Hội đầu tiên được mở (năm 1442) để chọn Trạng nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa. Do hiểu rõ trách nhiệm  đối với vận mệnh của đất nước, dân tộc, nên trong lịch sử nước nhà,  các bậc hiền tài đã đưa tất cả tài năng và tâm huyết, đi tiên phong mỗi khi vận nước lâm nguy. Thời trung đại đã có biết bao bậc trí thức đã làm vẻ vang đất nước, như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, v.v…

Tranh vẽ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346).
Trong chế độ khoa cử thời phong kiến của Việt Nam, Nghệ An có 150 vị đỗ đại khoa, trong đó có vị trạng nguyên cũng là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng xứ Nghệ là Trạng nguyên Bạch Liêu (1266, quê gốc ở làng Trúc Hạ, xã Thanh Đà (nay là xã Mã Thành, Yên Thành). Và đặc biệt là gia đình họ Hồ ở làng Tam Thọ, xã Thọ Thành (Yên Thành) có 3 cha con, ông cháu đều đỗ Trạng nguyên: Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (cha), Hồ Tông Đốn (con), Hồ Tông Thành (cháu). Trong 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) thì có tới 24 bia có tên người Nghệ An. Còn về số lượng, số Tiến sĩ xứ Nghệ trong bia Văn Miếu còn lại đến ngày nay chiếm 77,5% (110/142) trong tổng số lượng người Nghệ đỗ đạt. Loại trừ đi số bia bị mất hoặc chưa cho khắc bia, danh sách đỗ đại khoa của người Nghệ trên văn bia hiện còn về cơ bản là phản ánh đúng đội ngũ đông đảo khoa bảng Nghệ trong các thế kỷ XVI-XVIII.


Ngay sau khi Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Thái Tổ lên ngôi vua, liền ban Chiếu cầu hiền. Chiếu cầu hiền của Lê Thái tổ được Nguyễn Trãi thể hiện cho thấy cái tâm của ng­ười đứng đầu đất nước có thật lòng trọng dụng hiền tài, trọng dụng trí thức lúc bấy giờ. Thực tiễn lịch sử của dân tộc ta đã chứng minh, nếu lãnh đạo nơi nào, thời điểm nào biết quy tụ và trọng dụng hiền tài, thì nơi ấy, lúc ấy sẽ hưng thịnh.­ Đó là điều mà ông cha ta đã đúc kết: “Các đấng thánh đế minh vư­ơng chẳng ai không lấy việc bồi d­ưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên”.

Hiểu đ­ược điều đó, ngay khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha kêu gọi: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu ng­ười có tài có đức… E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. [Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, NXBCTQG, HN, 2000, tr.451].

Phải có cái tâm vì n­ước vì dân và tầm nhìn của ngư­ời lãnh đạo biết rõ ngọn nguồn sức mạnh của mình đ­ược dồn góp và chư­ng cất từ trí tuệ và khát vọng của quần chúng nhân dân, mới dám nhận lấy cái lỗi “nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là một điển hình trong việc kế tục truyền thống của dân tộc mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm năng trí thức, lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết và trung thực của những trí thức chân chính. Qua thành phần Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1946 cũng có thể hiểu được biết cách sử dụng và phát huy vai trò trí thức của Người. Chính vì thế, trí thức đã có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng và kháng chiến.

Trong những năm chống thực dân Pháp xâm lược và đặc biệt là từ sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã chân thành kêu gọi và mong muốn những người có tài năng đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhờ vậy mà nhiều nhà trí thức lớn đã từ bỏ cuộc sống giàu sang với triển vọng phát huy tài năng chuyên môn trong những môi trư­ờng thuận lợi ở nước ngoài để theo Bác Hồ về n­ước tham gia kháng chiến kiến quốc, như­ Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Đặng Văn Ngữ… Với quan điểm và chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng vai trò của trí thức, đông đảo những trí thức yêu nước tiêu biểu đã cùng đồng bào cả nước chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định rằng, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng vào thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng ta cũng đã biết trân trọng đón nhận và tìm mọi cách phát huy tài năng, tâm huyết của các trí thức nhân sĩ rời bỏ chức vụ cao, cuộc sống giàu sang để tham gia cách mạng, như­ Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thuần, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo… Những trí thức ấy đã đóng một vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong thế kỷ XX, nhiều nhân tài người Nghệ An cũng góp phần tô đẹp truyền thống: Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong … và tiêu biểu là lãnh tụ Hồ Chí Minh.


Giáo sư Trần Đại Nghĩa (ảnh trái) và bác sỹ Đặng Văn Ngữ là những trí thức lớn ở nước ngoài về nước tham gia kháng chiến kiến quốc.
Tuy nhiên, trong việc sử dụng và phát huy năng lực của trí thức chúng ta cũng gặp phải một số sai lầm đáng tiếc. Đó là đôi lúc còn có cách nhìn thiển cận về lý lịch, thành phần… thậm chí, có lúc, có nơi còn đối xử bất công với trí thức. Điều này tuy đã được khắc phục nhưng vẫn chưa triệt để.  Đãi ngộ trí thức cũng là điều cần, vì sự đãi ngộ đó là vì lợi ích của đất nư­ớc, lợi ích của nhân dân, là một cách tỏ rõ thái độ trân trọng trí thức của nhà lãnh đạo, của xã hội, điều đó sẽ động viên người trí thức cống hiến hết sức mình, tạo ra một khí thế mới, nâng cao chất lượng khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ nguồn động lực lớn lao nhất, đư­a sự nghiệp của dân tộc, của Đảng tiến lên chặng đường mới.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự khai thác những tiềm năng cực lớn của bộ não. Hướng đột phá quan trọng của khoa học đầu thế kỷ XXI, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những nghiên cứu khám phá về bộ não con ngư­ời mà những thành tựu của nó tạo tiền đề cho xã hội loài người bư­ớc vào nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức.

Sự nghiệp phát triển đất nước ta hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải kế thừa và vận dụng quy luật coi trọng giới trí thức. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X nêu nhiệm vụ: “Phát huy trí tuệ và năng lực của đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài” là một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. [Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.305]. Người trí thức chân chính là vốn quý của dân tộc, của Đảng. Đất n­ước đang dấn b­ước trên con đường hội nhập, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cái vốn quý ấy cần đư­ợc khai thác, phát huy. Làm tốt điều đó sẽ tạo ra đ­ược một lực hút mạnh mẽ những tiềm năng lớn lao trong nội lực dân tộc, phát huy mạnh mẽ tiềm năng đó để tạo một lực đẩy quyết định đư­a sự nghiệp của dân tộc, của Đảng tiến bư­ớc trên chặng đường mới.


Ôn cố để tri tân, trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước phải có chiến lược xây dựng, phát triển và sử dụng trí thức một cách đúng đắn, sáng tạo với mục đích tạo lập một đội ngũ trí thức vừa đông về số lượng, vừa mạnh về chất lượng để góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Để đạt được điều đó, cần sớm làm những việc như sau:

Thứ nhất, phải chấn hưng nền giáo dục quốc gia.

Trong bất kỳ xã hội nào, trí thức là sản phẩm trực tiếp của một hệ thống giáo dục, do vậy, chất lượng của đội ngũ trí thức phụ thuộc vào bản chất và trình độ phát triển của chính hệ thống giáo dục đó. Mặt khác, kinh nghiệm ở các nước tiên tiến cho thấy rằng, để trở nên hiện đại, nền giáo dục cần có một môi trường phù hợp để phát triển. Nhà trường hướng đến việc đào tạo những thế hệ người đi học có đầy đủ tư cách công dân, gồm các đặc trưng cơ bản: tính độc lập trong tư duy, tính đối thoại, tính khoan dung, tính chịu trách nhiệm và tính vị cộng đồng.

Thứ hai, phải tạo lập môi trường hoạt động cho tầng lớp trí thức.

Tác nhân thu hút hiền tài, trí thức là độ rộng mở của dân chủ và công khai trong việc tạo ra môi trường để cho những tài năng thật sự có thể phát huy trong sự nghiệp phát triển đất nước. “Môi trường” ở đây không đơn thuần là giảng đường, thư viện, các phương tiện nghiên cứu, giảng dạy… vốn trực tiếp gắn liền với công việc thường ngày của giới trí thức, mà đó còn là cuộc sống, cách nhìn nhận của xã hội; môi trường để trí thức cống hiến.

Thứ ba, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, định chế xã hội đảm bảo cho hoạt động phản biện của giới trí thức.

Trong những năm gần đây, các Nghị quyết của Đảng cho rằng, trong việc xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức hiện có, vừa xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức có tầm nhìn dài hạn đã quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức đi liền với việc mạnh dạn sử dụng và phát huy tiềm lực trí thức. Ngoài cơ chế đảm bảo đời sống vật chất (chính sách đãi ngộ nhân tài), cơ chế tuyển chọn người tài, Nhà nước cần ban hành các định chế xã hội hoặc thể chế hóa một số thông tư – quy định – nghị định nhằm tạo điều kiện cho giới trí thức thực hiện các hoạt động đặc trưng của họ, mà điển hình nhất là hoạt động phản biện xã hội.

Nghệ An, trong những năm qua, số lượng trí thức tăng nhanh. Năm 2008 đội ngũ trí thức là 22.600 người (chiếm 46,8% tổng số cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh) đến năm 2017, con số này tăng lên 42.800 người. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức Nghệ An nhìn chung đông nhưng chưa mạnh; chưa có những chuyên gia đầu ngành mang tầm cỡ quốc tế và khu vực; chưa có nhiều công trình mang tính đột phá và ứng dụng thực tiễn rộng rãi; sự đóng góp của đội ngũ trí thức Nghệ An chưa xứng đáng với tốc độ phát triển của tỉnh…

Để phát triển đội ngũ trí thức Nghệ An mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát huy được tiềm lực, tinh hoa của trí thức, tỉnh cần phải quan tâm, đổi mới nhiều lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt chú trọng 2 vấn đề là môi trường làm việc (bao gồm: sử dụng, bố trí, thăng tiến) và chế độ đãi ngộ nhằm thu hút được đội ngũ trí thức “vừa hồng vừa chuyên” về làm việc; đẩy mạnh phát huy dân chủ cơ sở trong hoạt động khoa học, sáng tạo. Tỉnh cũng cần xây dựng và hoàn thiện các khung chính sách để sử dụng trí thức; tạo cơ chế phản biện, giám sát một cách dân chủ, khoa học nhằm tạo thuận lợi tối đa cho đội ngũ trí thức phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ 100 người Việt tài năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ đang làm việc tại nước ngoài.

Nội dung: PGS. TS. GVCC. Nguyễn Công Khanh
Ảnh: Internet
Kỹ thuật: Hữu Quân