1. Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược
Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác cán bộ. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Công tác cán bộ đã bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, quy chế để tổ chức thực hiện. Các quy trình về công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, từng bước gắn với chức danh, với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…”(1).
Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ tiêu chuẩn chung về trình độ đối với cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp. Cán bộ cấp chiến lược là những người trực tiếp tham gia chỉ đạo, điều hành, dẫn dắt các hoạt động của đất nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, là những người đại diện cho đất nước tham gia vào các hoạt động quốc tế. Để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đủ năng lực làm việc trong môi trường hội nhập, đội ngũ này cần được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về ngoại ngữ, phải sử dụng thành thạo được ít nhất 01 ngoại ngữ thông dụng, có khả năng tự giao dịch, tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng nước ngoài ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
2. Thực trạng công tác bồi dưỡng ngoại ngữ và năng lực ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay
2.1. Về công tác bồi dưỡng ngoại ngữ
Để tăng cường công tác bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và dự nguồn cán bộ cấp chiến lược trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, ngày 27/6/2008 Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 165-TB/TW về Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (Đề án 165). Trong 05 năm triển khai (2009-2012), Đề án 165 đã tổ chức đa dạng các loại hình đào tạo, như đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng ngắn hạn; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ và đã thu được một số kết quả, cụ thể:
- Số cán bộ tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là 941 người, trong đó có 158 người làm luận án tiến sĩ, 444 người học thạc sĩ ở nước ngoài và 339 người học thạc sĩ đào tạo liên kết (5,6% trong số này là lãnh đạo cấp vụ và tương đương trở lên). Trước khi theo học chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, những cán bộ chưa có đủ năng lực ngoại ngữ theo quy định sẽ được cử đi bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ từ 06 tháng đến 01 năm để có khả năng tiếp thu bài giảng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy.
- Cán bộ được tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại 22 quốc gia là 6.474 người, trong đó có 31 cán bộ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 336 thứ trưởng và tương đương; 4.329 cán bộ cấp vụ và tương đương; 460 cán bộ quy hoạch cấp vụ, cấp sở và tương đương. Tuy nhiên, đối tượng tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn là cán bộ công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thời gian học tập ngắn nên chưa kịp thích ứng với môi trường và phương pháp học tập ở nước ngoài, các bài học phải thông qua phiên dịch... nên hiệu quả còn hạn chế.
- Cán bộ được cử đi bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ ở trong và ngoài nước là 4.275 người, trong đó có 1.746 người được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài với các thứ tiếng Anh, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau khi bồi dưỡng, trình độ ngoại ngữ của cán bộ được nâng lên rõ rệt; đa số cán bộ có thể sử dụng tốt ngoại ngữ trong giao tiếp đối ngoại, các cuộc họp, đàm phán với đối tác nước ngoài… Tuy nhiên, trong số này chỉ có 12% là lãnh đạo cấp vụ và tương đương trở lên, tức là số thuộc diện cán bộ cấp chiến lược chiếm số lượng không lớn.
Như vậy, kết quả triển khai Đề án 165 cho thấy vẫn còn bất cập, hạn chế trong hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng ngắn hạn; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ bằng ngân sách nhà nước. Riêng đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Đề án 165 tập trung bồi dưỡng năng lực hoạch định chính sách, kỹ năng xử lý tình huống, khả năng tham gia một cách chủ động trong các diễn đàn khu vực và quốc tế thông qua các chương trình trung hạn; các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn gắn với các chức danh lãnh đạo, quản lý cụ thể; việc bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ về cơ bản chưa đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
2.2. Về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ và nhu cầu bồi dưỡng ngoại ngữ
Theo số liệu tổng hợp báo cáo của Bộ Nội vụ đến năm 2018, trình độ, năng lực ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và cán bộ dự nguồn cấp chiến lược ở các bộ, ngành Trung ương như sau:
- Đối với cán bộ, công chức cấp thứ trưởng và tương đương, có 81% đạt chứng chỉ bồi dưỡng ngoại ngữ các trình độ (chủ yếu là tiếng Anh trình độ B1 và tương đương); 9,1% có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ngoại ngữ ở trong nước; 10% có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành ở nước ngoài.
- Đối với công chức cấp tổng cục và tương đương: có 11,3% có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ngoại ngữ ở trong nước; 18,1% có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành ở nước ngoài; 70,6% có chứng chỉ ngoại ngữ các trình độ (chủ yếu là tiếng Anh).
- Đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương: có 90,8% đạt chứng chỉ bồi dưỡng ngoại ngữ các trình độ (30% là tiếng Anh trình độ B1 và tương đương); 10,9% có bằng tốt nghiệp ngoại ngữ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại hoc ở trong nước; 9,3% có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài(2).
Báo cáo của Bộ Nội vụ về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và dự nguồn cán bộ cho thấy nhu cầu học ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh; các ngoại ngữ khác (Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) có nhu cầu học không nhiều(3).
3. Giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược
Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải có 50% cán bộ, công chức ở Trung ương; 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 20% cán bộ, công chức xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định. Quyết định nêu rõ: việc thực hiện nâng cao trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ góp phần nâng cao chất lượng con người để ngang tầm với vị trí công việc, cũng như là tiếp cận gần hơn với môi trường quốc tế, xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới.
Theo tinh thần đó, để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới theo đúng mục tiêu chung “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế” đã được khẳng định tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng, ban hành hệ thống chính sách, văn bản pháp luật, chiến lược, kế hoạch đồng bộ về bồi dưỡng, sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ với từng chức danh cán bộ. Yêu cầu về tiêu chuẩn, trình ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải ở mức thông hiểu ít nhất 01 ngoại ngữ thông dụng (sử dụng thành thạo cả 04 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết), độc lập trong giao tiếp, nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Hai là, xây dựng mô hình bồi dưỡng ngoại ngữ phù hợp với đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó cần đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng; cơ chế bồi dưỡng linh hoạt, tạo điều kiện cho cán bộ tham gia bồi dưỡng có hiệu quả; nội dung bồi dưỡng không chỉ đáp ứng yêu cầu giao tiếp mà còn phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu công vụ và yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế; giảng viên không chỉ giỏi ngoại ngữ, mà còn là người có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu về ngành, lĩnh vực được giao giảng dạy, có phương pháp truyền thụ phát triển khả năng tư duy, tính độc lập, tự chủ của người học; tăng cường, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng ngoại ngữ.
Ba là, xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ tại các cơ quan, đơn vị thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ cấp chiến lược có thể tham gia các khóa học ngoại ngữ trực tuyến. Các khóa học này cần phải được xây dựng có khả năng tương tác cao, thuận lợi cho việc học ngoại ngữ hàng ngày của cán bộ cấp chiến lược.
Bốn là, cần có quy định, quy chế về sử dụng ngoại ngữ thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị để cán bộ cấp chiến lược có điều kiện phát triển khả năng tư duy về ngôn ngữ. Trong đó, cán bộ cấp chiến lược buộc phải sử dụng ngoại ngữ như ngôn ngữ thông dụng thứ hai trong các lĩnh vực làm việc như giao dịch thương mại, luật pháp, khoa học và hội nhập quốc tế.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo chuyên môn sâu cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và dự nguồn cấp chiến lược ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho cán bộ cấp chiến lược.
Sáu là, xây dựng cơ chế khuyến khích đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tích cực, chủ động tham gia các chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ; thường xuyên học tập, tự nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ; cố gắng thích nghi với khả năng tư duy bằng ngoại ngữ trong các hoạt động công vụ để không ngừng nâng cao năng lực và khả năng thích ứng với môi trường làm việc quốc tế.
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, khung năng lực theo quy định và đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, góp phần đưa Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển./.
------------------------------
Ghi chú:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2018, tr.57.
(2), (3) Bộ Nội vụ (2019), Đề án về Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức các cấp.
Tài liệu tham khảo:
1. Xem: https://vnexpress.net/thoi-su/can-bo-cap-chien-luoc-se-duoc-co-cau-theo-3-do-tuoi-3745611.html.
2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
3. Xem,http://www.tapchicongsan.org.vn/ Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2014/28877/ De-an-165-Nhung-ket-qua-giai-doan-I-va-dinh-huong.aspx;
4. Bộ Nội vụ (2019), Đề án về Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức các cấp, tr.14, tr.23.
tcnn.vn