Với Nghị quyết
29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, giáo dục Việt Nam đã bắt được
bệnh, đã kê được thuốc. Nhưng để đo xem độ tiến triển, độ “khỏe” lên của một nền
giáo dục phải có sự đánh giá, nhìn nhận thấu đáo để vững tin, kiên tâm và cầu
thị điều chỉnh, gỡ “nút thắt”, tháo “điểm nghẽn”.
“ĐO” KẾT QUẢ
Nghị quyết
29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu
công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” ban hành ngày 4-11-2013. Ngay sau khi Nghị
quyết 29 ban hành, Chính phủ đã cụ thể hóa thành các Chương trình hành động triển
khai. Sau 5 năm, việc đánh giá thực hiện Nghị quyết 29 được xác định trọng tâm
là bám sát 6 mục tiêu và 9 nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết đã nêu ra để “đo”
những kết quả của đổi mới, đánh giá những thành công và hạn chế, những rào cản
và vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục triển khai Nghị quyết.
Với tinh thần
đó, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án Sơ kết 5 năm Nghị quyết 29 đã tiến hành khảo
sát 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 13 cơ sở giáo dục và đào tạo và một
số bộ, ngành. Theo kết quả khảo sát, nhìn chung, Nghị quyết 29 đã đi vào thực tế,
lan tỏa tốt, tạo ra nhiều chuyển biến trong đổi mới giáo dục - đào tạo. Công
tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo
ở các địa phương đã được quan tâm hơn. 6 mục tiêu và 9 nhiệm vụ, giải pháp mà
Nghị quyết 29 đề ra đã được triển khai ở các cấp độ khác nhau. Trong thực tiễn
đã có nhiều mô hình, sáng kiến, điển hình trong triển khai đổi mới giáo dục và
đào tạo. Tuy nhiên, một số cấp ủy vẫn còn lúng túng, trong lãnh đạo, chỉ đạo
chưa thực sự cụ thể và sát với tình hình địa phương, đơn vị. Chất lượng giáo dục
toàn diện chuyển biến chưa mạnh, vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền.Nhiều vấn
đề thực tiễn đặt ra vẫn cần được đánh giá, nhìn nhận để tiếp tục tháo gỡ, triển
khai. Công tác đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết
việc thực hiện Nghị quyết 29 của một số cấp ủy Đảng, chính quyền có lúc, có nơi
chưa được thường xuyên.
Trong khuôn khổ
các nghiên cứu khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội về 9 nhóm nhiệm vụ cơ bản của
Nghị quyết 29, các nghiên cứu đã tổng kết lý luận và thực tiễn, khảo sát hơn
2.500 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ cơ sở giáo dục mầm non đến cơ sở
giáo dục đại học; trao đổi, phỏng vấn trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý và
chuyên gia của các cơ quan trung ương, cơ quan bộ, ngành; phỏng vấn gần 1.000 học
sinh và sinh viên, 500 cha mẹ học sinh. Nhóm nghiên cứu cũng tập hợp các cơ sở
dữ liệu từ các bộ, ngành và các cơ quan trong khoảng thời gian 5 năm, khảo sát,
làm rõ, và đánh giá những thay đổi, chuyển biến của nền giáo dục dưới tác động
của Nghị quyết 29. Trong số 15 chuyên đề triển khai, hiện nay đã nghiệm thu 3
chuyên đề: Những đổi mới về tự chủ đại học; Đổi mới về thi và kiểm tra, đánh
giá giáo dục; Đổi mới trong giáo dục phổ thông.
Theo Báo cáo
Tăng trưởng thông minh hơn - Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái
Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15-3-2018, cùng với Trung
Quốc, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có sự phát triển thực
sự ấn tượng trong đổi mới giáo dục. WB cho rằng, Việt Nam đang hội tụ đủ 5
thành tố đóng góp vào kết quả giáo dục là: 1) Đồng bộ về thể chế để bảo đảm các
điều kiện học tập cơ bản được cung cấp tại tất cả các trường học; 2) Tập trung
chi tiêu công hiệu quả và công bằng cho giáo dục cơ bản, chuyển tiếp nguồn lực
đến các trường học và địa phương đang bị tụt hậu; 3) Tuyển chọn và hỗ trợ giáo
viên trong suốt quá trình giảng dạy để giúp họ yên tâm đứng lớp; nâng cao tính
chọn lọc đội ngũ giáo viên… 4) Bảo đảm trẻ sẵn sàng học tập khi đến trường, tập
trung phát triển thể chất và nhận thức lúc trẻ chào đời; cải thiện chất lượng mầm
non và các dịch vụ phát triển… 5) Đánh giá học sinh để xác định vấn đề và cải
thiện hoạt động dạy học…
Từ những kết
quả nghiên cứu cho thấy, Nghị quyết 29 đang đi vào cuộc sống, tạo ra sự chuyển
động lớn cả về nhận thức xã hội cho đến triển khai thực hiện. Cấp ủy Đảng và
chính quyền, những người làm giáo dục, đến học sinh, sinh viên, người dân… đều
quan tâm đặc biệt đến đổi mới giáo dục. Việc thể chế hóa nghị quyết, các văn bản,
chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện dần như xây dựng các chương
trình hành động, sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học… Nhiều vấn đề về
chương trình, sách giáo khoa, thi cử, xây dựng đội ngũ giáo viên, khả năng quản
trị giáo dục… đang từng bước khẳng định hướng đi đổi mới căn bản, toàn diện.
GỠ “NÚT THẮT”
Tuy nhiên, những
thách thức, những vấn đề đặt ra trong đổi mới giáo dục - đào tạo vẫn khiến dư
luận, xã hội chưa có sự thống nhất về đánh giá.Còn những góc nhìn và quan điểm
khác nhau, chưa có sự đồng thuận, có người nhìn thấy chuyển động tích cực, có
người lại bất mãn, không hài lòng và thiếu niềm tin. Do đâu mà đổi mới trong
giáo dục - đào tạo lại có nhiều góc nhìn đa chiều và nhiều “nút thắt” như vậy?
Nhìn nhận ra sao trong đánh giá sơ kết 5 năm để tháo những “nút thắt”, gỡ những
“điểm nghẽn”, khơi thông con đường mà Nghị quyết 29 đã vạch ra.
Các chuyên gia
cho rằng, “nút thắt” hiện nay vẫn xoay quanh chương trình và sách giáo khoa,
chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế tài chính, đổi mới
trong tổ chức và quản lý, kiểm tra đánh giá và thi cử. Chiếu theo các mục tiêu,
nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 29 thì phân luồng còn hạn chế, sự tham gia của
doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dụcnghề nghiệp còn ít; đào tạo lại chưa được
chú trọng, quản lý giáo dục còn nhiều lúng túng, xã hội hóa trong giáo dục, các
vấn đề bức xúc của xã hội như thi cử, sách giáo khoa, chất lượng giáo viên… vẫn
còn nhiều băn khoăn. Hiện nay, điều kiện rất quan trọng để triển khai chương
trình mới là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp. Việc chuyển từ chú
trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học yêu cầu
đội ngũ giáo viên cũng phải chuyển mình, nâng chất. Nếu giáo viên không được bồi
dưỡng kiến thức, không được chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế thì chương trình có tốt
đến đâu cũng sẽ khó thành công. Trong bối cảnh tinh giản bộ máy, tinh gọn đội
ngũ giáo viên là yêu cầu đặt ra gay gắt thì thực tiễn địa phương lại có nơi thừa,
nơi thiếu. Giải quyết bài toán này lại đang “vướng” giữa các chính sách và chưa
có sự đồng bộ giữa các bộ với nhau.
Khi thực hiện
Nghị quyết 29, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân của trường đại học, tự
chủ được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra. TS.
Nguyễn Xuân Huy, Viện trưởng Viện đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội
cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật còn có những quy định chưa phù hợp, vai trò kiểm
soát của Nhà nước và các cơ quan quản lý vẫn rất lớn, cơ chế tài chính chưachuyển
đổi kịp thời so với yêu cầu thực tiễn…
Sản phẩm đầu
ra của đổi mới giáo dục - đào tạo là nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực
đang từng bước được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển
trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn,
tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh
tranh thị trường lao động khu vực và quốc tế. Với quan điểm, mục tiêu của Nghị
quyết 29, nâng cao dân trí - đào tạo nhân lực - bồi dưỡng nhân tài cuối cùng
cũng phải đạt đến mục tiêu cao nhất là sự phát triển năng lực và hoàn thiện
nhân cách.Đó mới là mục tiêu thực chất nhất, là đích đến trong sản phẩm giáo dục,
là thước đo thành công của đổi mới.
GIỮ NIỀM TIN
Một nhà triết
học nói: Sau thực phẩm, giáo dục - đào tạo là thức ăn tinh thần hàng đầu của mỗi
dân tộc. Sự quan tâm tới giáo dục luôn được phổ rộng đến từng gia đình, mỗi người
dân. Điều đó tạo ra sức ép song cũng là cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận
xã hội trong đổi mới giáo dục - đào tạo.
Để thành công
trên con đường đổi mới, niềm tin chính là động lực, điểm tựa, niềm tin cũng là
thước đo sức thuyết phục của thành quả đổi mới. Đó là niềm tin của xã hội mà
trước hết là niềm tin của những người làm giáo dục, những người đang tham gia
vào đổi mới. Xây dựng niềm tin, cần kiên trì thực hiện đổi mới những vấn đề lớn,
cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tưtưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung,
phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự
lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở
giáo dục-đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân
người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học như Nghị quyết đã đề ra.
Xây dựng niềm
tin cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của xã hội.
Muốn vậy, thông tin cần minh bạch, rõ ràng, được kiểm soát để các thông điệp hỗ
trợ cho nhau chứ không trái ngược, gây hoang mang, xáo trộn không cần thiết. Do
vậy, truyền thông giáo dục cũng cần đa dạng và tích cực để theo kịp nhu cầu và
các kênh tiếp cận thông tin của phụ huynh học sinh./.
Theo Tuyengiao.vn