Sáng ngày 30/9/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến tham dự và phát biểu ý kiến chỉ
đạo tại Lễ khai giảng
năm học 2018 - 2019 của Học viện
Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. Xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan đến giáo
dục đại học.
Đảng ta đã
khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là
then chốt đối với sự phát triển của đất nước. Tôi đề nghị các bộ, ngành và Học
viện trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau đây:
Một là, tích
cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao chất
lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến
thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay
thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ
năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và
thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách
nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Do vậy, ngoài đào
tạo chuyên môn, Nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống
cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của
Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh".
Hai là, tiếp
tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin hiện nay. Nhà trường phải
nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác
định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang
phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào
tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực
tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh
nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.
Ba là, tập
trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào
tạo. Các thày, cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn
học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống,
phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo. Để có được đội ngũ các
thày, cô giáo chuẩn mực, các bộ, ngành và Học viện cần thông qua những chính
sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất
để các thày, cô làm việc, sáng tạo và cống hiến được tốt nhất cho sự nghiệp
trồng người.
Bốn là, đổi
mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học. Sắp tới, Quốc hội sẽ
thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là
tự chủ đại học. Tinh thần chung là các trường đại học phải được tự chủ hơn về
học thuật, được chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tự
chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải "tự túc" hoàn
toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết
yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực
hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những
ngành nghề và lĩnh vực khó xã hội hoá và đất nước đang rất cần như Nông - Lâm -
Ngư nghiệp.
Năm là, phấn
đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực
nông nghiệp. Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ,
gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã
hội. Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới "tam nông"
(nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh). Trọng tâm
nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát
triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập
quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát
triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Sáu là, gắn
kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương sở tại. Trường đại học đóng
trên địa bàn nào thì cần phải có những hoạt động đào tạo và khoa học - công
nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó. Ngược lại, chính quyền các cấp của địa
phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình
phát triển. Với tinh thần đó, tôi đề nghị, Thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị
trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan
tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực
phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Học viện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện
tốt quy hoạch đã được phê duyệt.